Chấm dứt hoạt động huy động tiền từ tài khoản chứng khoán
Kinh tế 2023, dự báo 2024: Tìm lời giải tối ưu hiệu quả đầu tư công / Sắp diễn ra 'Những ngày Hà Nội tại Lâm Đồng'
Ngày 20/12, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ra công văn yêu cầu các công ty chứng khoán dừng ngay việc thỏa thuận, ký mới và phải tất toán toàn bộ các giao dịch đã phát sinh liên quan đến hoạt động hợp tác đầu tư, chậm nhất trước ngày 30/6/2024.
Công ty chứng khoán báo cáo lộ trình thực hiện việc tất toán về UBCKNN trước ngày 30/12, đồng thời định kỳ hàng tháng phải báo cáo kết quả thực hiện cho tới khi tất toán toàn bộ. Tại sao UBCKNN có động thái quyết liệt với hoạt động này đến vậy?
Dừng hoạt động huy động tiền từtài khoản chứng khoán
Trong tài khoản chứng khoán của chúng ta đôi khi sẽ có những khoản tiền chưa đầu tư, chưa mua cổ phiếu. Khoản tiền nhàn rỗi hấp dẫn với bất cứ tổ chức tài chính nào. Vài năm gần đây, nhiều công ty chứng khoán thường sử dụng 1 cách để huy động với chi phí rẻ 1 khoản tiền nhàn rỗi vô cùng dồi dào này đó là hợp đồng hợp tác đầu tư qua website hay ứng dụng chứng khoán. Họ sẽ trả cho một nhà đầu tưT mức lãi suất khá hấp dẫn, thậm chí hơn cả lãi suất ngân hàng cùng cơ chế tất toán/rút tiền linh hoạt để huy động được khoản tiền rẻ để thực hiện các hoạt động khác như cho vay ký quỹ margin với lãi suất cao hơn, đầu tư…
Việc huy động cũng rất hiệu quả. Số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý 3/2023 đạt khoảng 77.000 tỷ đồng. Đây chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý.
Hình minh họa
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết hoạt động này có thể khiến nhà đầu tư hiểu rằng công ty chứng khoán có chức năng nhận tiền gửi như tổ chức tín dụng, điều này là không đúng chức năng của công ty chứng khoán.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: "Chúng tôi vừa rồi đã ra 1 văn bản yêu cầu các công ty chứng khoán phải thực hiện đúng quy định về mặt pháp lý liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản đó chính là tài khoản chuyên dụng chỉ để phục vụ cho thanh toán giao dịch chứng khoán của khách hàng, không được làm bất cứ việc gì khác, để đảm bảo an toàn về tài sản của khách hàng".
Theo khảo sát, hiện nay chưa có phát sinh tranh chấp hay thiệt hại gì với các tài khoản hợp tác đầu tư, nhưng theo tinh thần của UBCKNN, việc ra chỉ đạo mang tinh thần "phòng bệnh hơn chữa bệnh"
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích đầu tư, CTCP Chứng khoán Smart Invest, cho biết: "Đặc biệt các công ty chứng khoán lớn có nguồn tiền gửi của các khách hàng rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tôi nghĩ tỷ trọng lớn nằm ở top 10 công ty chứng khoán hàng đầu thôi, còn các CTCK nhỏ hơn thì cũng không có nhiều lợi thế lắm. Nên quy định như thế cũng tạo ra sự canh tranh công bằng hơn".
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhận định: "Trên quốc tế người ta cũng không cho phép các công ty chứng khoán làm như vậy, mà phải huy động vốn từ việc đi vay từ các định chế tài chính khác, thứ 2 là phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Một ích lợi nữa là giúp cho hoạt động chứng khoán của chúng ta phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn, theo hướng là muốn tăng hiệu quả đồng tiền cho NĐT thì dịch vụ tư vấn đầu tư của công ty chứng khoán phải tốt lên".
Theo các chuyên gia, chức năng huy động vốn và cho vay là nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng như ngân hàng, việc công ty chứng khoán thực hiện huy động vốn nhàn rỗi của NĐT qua ứng dụng và sau đó sử dụng cho vay margin dễ phát sinh rủi ro vì tiêu chuẩn vay margin hiện nay được xem là thấp hơn so với tiêu chuẩn vay tín dụng.
Sau chỉ đạo từ phía UBCKNN, hiện nay hoạt động hợp tác đầu tư này còn tồn tại trên trang web hay ứng dụng công ty chứng khoán, Vẫn còn đó 1 số công ty vẫn để tính năng này hoạt động. Tìm hiểu mới biết là có công ty còn cho phép tính năng gửi lấy lãi qua đêm, tức là không cần thỏa thuận kỳ hạn gì, chỉ nhấn đăng ký 1 lần, tiền cứ để trong tài khoản là nhận lãi trước 8h mỗi ngày, lãi suất 2,4%/năm.
Việc tìm nhiều cách để giữ chân tiền nhà đầu tư trong tài khoản cho thấy không ít công ty chứng khoán đang có nhiều lợi ích từ những khoản tiền nhàn rỗi này, nó đóng góp cho họ 1 nguồn lực tài chính không nhỏ.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của UBCKNN, các công ty cũng đang hợp tác để khắc phục vấn đề, bên cạnh đó còn thực hiện tách bạch tài khoản tiền của khách hàng. Theo Thông tư 121 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ năm 2021 quy định khách hàng có thể mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại do công ty chứng khoán lựa chọn để quản lý tiền giao dịch chứng khoán. Cách làm này hạn chế việc tất cả tiền NĐT khi nộp vào công ty chứng khoán đi chung vào 1 tài khoản "tổng" đứng tên công ty chứng khoán và dẫn tới việc khó kiểm soát hoạt động sử dụng vốn.
Minh bạch hoạt động sử dụng vốn của công ty chứng khoán
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nói: "Trong thời gian qua chúng tôi cũng đã đi kiểm tra thì vấn đề tài khoản, tiền của khách hàng vẫn đảm bảo tốt, không có trường hợp nào công ty chứng khoán bị chậm thanh toán giao dịch của khách hàng. Trong năm 2024, chúng tôi sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định 155, nhằm tăng cường giám sát, nâng cao chất lượng thị trường tiến tới nâng hạng".
Sau chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua Công điện số 1360 mới đây về tăng cường các giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, có thể thấy các thay đổi quan trọng về chất của thị trường đang được các cơ quan quản lý triển khai rốt ráo. Thay đổi về chất rồi sẽ dẫn tới các thay đổi về lượng, giúp thị trường chứng khoán phát triển đúng với vai trò của 1 kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, là nơi NĐT có thể tin tưởng đầu tư dài hạn thay vì chỉ đầu cơ lướt sóng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT