Thị trường

Chinh phục thị trường nông sản Halal tại Trung Đông bằng cách nào?

DNVN - Xuất khẩu sản phẩm nông sản Halal vào thị trường Trung Đông được coi là còn nhiều dư địa nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa chủ động tìm hiểu thị trường, gặp nhiều khó khăn về giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Halal cũng như thiếu nguồn nhân sự và nguyên liệu Halal.

Xăng dầu quay đầu giảm giá sau 4 kỳ tăng liên tiếp / Nhiều đối tượng chiếm đoạt thông tin, tài sản của người nộp thuế

Doanh nghiệp chưa chủ động

Sản phẩm Halal là những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển.

Báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu ước tính, chi tiêu cho thực phẩm Halal đang tăng nhanh từ 1.400 tỷ USD của năm 2020 lên 1.900 tỷ USD vào năm 2030, và gần 5.000 tỷ USD vào năm 2050.

Tại hội thảo “Tiềm năng thúc đẩy các sản phẩm nông sản Halal vào thị trường Trung Đông” ngày 12/7, bà Nguyễn Minh Phương – Trưởng phòng Tây Á, châu Phi, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, ước tính năm 2030, số người theo đạo Hồi trên thế giới vượt ngưỡng 2 tỷ người, hứa hẹn một thị trường rộng lớn tiêu thụ các sản phẩm Halal.

Do vậy, đây là thị trường tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể chinh phục thị trường khối Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) cũng như các quốc gia Ả Rập khác với lợi thế sở hữu nguồn nguyên liệu thô dồi dào, lại nằm ở châu Á, nơi có khoảng 62% dân số Hồi giáo của thế giới.

"Là quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh về nông sản, các doanh nghiệp phải tìm cách chinh phục thị trường để gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới", bà Phương nói.


Dự báo chi tiêu toàn cầu cho thực phẩm Halal tăng nhanh từ 1.400 tỷ USD của năm 2020 lên 1.900 tỷ USD vào năm 2030.

Cũng nói về tiềm năng của thị trường này, ông ông Trần Trọng Kim - Bí thư thứ nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập cho hay, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu các sản phẩm Halal bởi thị trường này vẫn còn nhiều dư địa. Các thị trường quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương có nhu cầu rất cao đối với các sản phẩm Halal. Còn Bắc Phi và Trung Đông cũng là thị trường tiềm năng do phần đông dân số thuộc các quốc gia này theo đạo Hồi.

Ở trong nước, Chính phủ Việt Nam ủng hộ và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm Halal để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cũng theo ông Kim, sản phẩm có logo Halal thường đắt hơn sản phẩm bình thường vì bảo đảm yếu tố sạch, tốt cho sức khoẻ. Sản phẩm có chứng nhận Halal sẽ tăng thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Trong khi đó, ông Lê Châu Hải Vũ – Chuyên gia tư vấn xây dựng chất lượng thực phẩm Halal, Giám đốc Công ty CP Consultech nhìn nhận, hiện nay tuy có những tín hiệu tăng trưởng khả quan về xuất khẩu nông sản sang Trung Đông nhưng hàng nông sản Việt Nam vẫn còn chưa tạo được thương hiệu mạnh và phải chịu cạnh tranh gay gắt với hàng nông sản của các quốc gia khác.

Ví dụ, khu vực Trung Đông nhập khẩu hàng nông sản chủ yếu từ châu Âu, Mỹ và một số nước như Trung quốc, Ấn Độ, Thái Lan... Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Israel là những nước sản xuất nông nghiệp lớn với nhiều sản phẩm nông sản không chỉ xuất khẩu ra thế giới mà còn xuất khẩu vào những nước khác trong nội khối Trung Đông.

Tại thị trường UAE, các mặt hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, hạt điều, chè, gia vị, cà phê... của Việt Nam phải cạnh tranh với Ấn Độ, Srialanka, Thái Lan, Trung Quốc và Brazil...

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hiểu nhiều về văn hoá tiêu dùng, kinh doanh của các nước Hồi giáo. Do đó, doanh nghiệp có tâm lý e ngại, chưa chịu đầu tư, chưa chủ động tìm kiếm và tìm hiểu thị trường. Doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn về giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Halal cũng như thiếu nguồn nhân sự và nguyên liệu Halal.

Chinh phục bằng cách nào?

Theo Trưởng phòng Tây Á, châu Phi, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Nguyễn Minh Phương, để xuất khẩu thành công nông sản Halal vào Trung Đông, trước hết doanh nghiệp cần xác định thị trường mục tiêu. Top 10 thị trường tiềm năng cho các sản phẩm Halal gồm: Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập, Bangladesh, Angeria, Iraq và Maroc.

Trong đó, Indonesia và Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ có kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm Halal ở mức cao. Năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm Halal của 3 quốc gia này lần lượt ở mức 25,8 tỷ USD, 22,7 tỷ USD và 21,9 tỷ USD.

Với thị trường Ả Rập Xê Út, ông Trần Trọng Kim - Bí thư thứ nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập cho biết, trước tình hình thực tế khi xung đột tại Biển Đỏ vẫn đang gia tăng, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị hiếu thị trường, quy định sở tại về quảng lý chất lượng và VSATTP, chủ động gửi mẫu sản phẩm quảng bá, trưng bày tại Thương vụ và Đại sứ quán.

Hàng mẫu quảng bá nên ghi rõ là hàng mẫu, đóng gói túi nilon hoặc hộp có thể nhìn rõ sản phẩm, ghi rõ thông tin sản phẩm bằng Tiếng Anh, Thương vụ mang đi các tỉnh, thành phố để quảng bá. Xây dự catalogues bằng mã QR để tiện quảng bá, gọn nhẹ, có đầy đủ thông tin số điện thoại và email phải cố định.

"Ả Rập Xê Út đang hướng tới cuộc sống xanh, lành mạnh và phát triển môi trường bền vững. Do đó, những sản phẩm organic, thân thiện với môi trường bắt đầu được đánh giáo cao và đang có nhu cầu trong trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu sản xuất theo hướng này để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Ngoài ra, cần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình bên cạnh việc bán hàng, đóng bao bì, in nhãn mác theo yêu cầu của nhà nhập khẩu", ông Kim khuyến nghị.

Theo ông Lê Châu Hải Vũ – Chuyên gia tư vấn xây dựng chất lượng thực phẩm Halal, Giám đốc Công ty CP Consultech, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, xây dựng hệ thống và đăng ký chứng nhận Halal cũng như các tiêu chuẩn quốc gia cho thị trường phù hợp định hướng phát triển của doanh nghiệp.

Xây dựng sản phẩm đạt các yêu cầu tiêu chuẩn Halal, hình thức bao bì mẫu mã phù hợp với văn hóa và tập quán, thói quen tiêu dùng của thị trường bản địa.

Ngoài ra, cần liên lạc và trao đổi thường xuyên với các cơ quan đại diện ngoại giao, Thương vụ tại Trung Đông bởi đây chính là đơn vị “mở đường, đồng hành và hỗ trợ” chính thức và đại diện cho Việt Nam.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm