Áp dụng thí điểm giá điện 2 thành phần cho khách hàng sản xuất, kinh doanh
Địa phương nào dẫn đầu chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công 2023? / Việt Nam nghiên cứu phát triển mô hình khu thương mại tự do quốc tế
Ưu thế vượt trội của giá bán điện 2 thành phần
Theo Bộ Công Thương, biểu giá bán lẻ điện chỉ áp dụng một thành phần giá điện năng (đ/kWh) chưa tạo ra tín hiệu giá bán điện phản ánh đúng chi phí bởi hành vi sử dụng điện gây ra cho hệ thống điện. Đồng thời chưa khuyến khích khách hàng nâng cao hệ số phụ tải điện.
Với việc áp dụng thêm thành phần giá công suất (đ/kW hoặc đ/kVA) mục tiêu là làm cho khách hàng phải luôn quan tâm đến chế độ sử dụng điện của mình để giảm hóa đơn tiền điện mà họ phải trả. Đồng thời giúp ngành điện giảm được Pmax (công suất mang tải cực đại của hệ thống điện).
Do đó, sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả nâng cao hệ số phụ tải điện, tiết kiệm được hóa đơn tiền điện. Việc này cũng giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện để đáp ứng nhu cầu điện cho khách hàng, thu hồi được chi phí đầu tư đối với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng khách hàng sử dụng ít hơn so với mức công suất đã đăng ký.
Vì vậy, việc áp dụng giá điện hai thành phần gồm giá công suất và giá điện năng đem lại lợi ích cho cả khách hàng và bảo đảm thu hồi được chi phí đầu tư của ngành điện. Cơ chế giá điện hai thành phần được xem như biện pháp quản lý nhu cầu phụ tải tự nhiên, không ngừng nâng cao khả năng sử dụng tài sản cố định nhằm giảm giá thành sản xuất nâng cao hiệu quả chung của xã hội.
Bộ Công Thương cho rằng, giá bán điện 2 thành phần với nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Tuy nhiên, để áp dụng cơ chế giá này đòi hỏi hệ thống đo đếm được 2 thành phần điện năng (kWh) và công suất (Pmax/Imax). Như vậy, việc áp dụng và triển khai hệ thống giá bán cần phải bảo đảm sự sẵn sàng của hạ tầng điện lực như công tơ đo đếm và truyền dữ liệu.
Hiện nay, các Tổng công ty Điện lực đã triển khai áp dụng công tơ điện tử có khả năng đo công suất và điện năng đối với hầu hết các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh.
Không ảnh hưởng đến hoá đơn tiền điện
Tính đến năm 2019, toàn quốc đã lắp đặt hơn 523.000 công tơ TOU cho tất cả các khách hàng đủ điều kiện áp dụng Biểu giá TOU như khách hàng sản xuất và kinh doanh dịch vụ. Như vậy, về hạ tầng ngành điện đã sẵn sàng cho phép việc áp dụng biểu giá 2 thành phần.
Tuy nhiên, việc áp dụng biểu giá này sẽ làm thay đổi hành vi cơ bản về tính chất sử dụng điện, tác động trực tiếp đến chế độ sử dụng điện của khách hàng, hóa đơn tiền điện và cả hệ thống điện.
Do đó, cần phải có lộ trình thử nghiệm trên giấy, công tác tuyên truyền để khách hàng hiểu rõ áp dụng và giai đoạn thí điểm thật, nhằm tổng kết đánh giá ưu nhược điểm, rút ra bài học của cơ chế mới trước khi áp dụng cơ chế/chính sách mới rộng rãi vào cuộc sống.
Theo Cục Điều tiết điện lực, việc áp dụng thí điểm cơ chế giá bán điện hai thành phần bước đầu chỉ mang tính chất tính toán, nghiên cứu ứng dụng và không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng sử dụng điện do khách hàng tiếp tục trả tiền điện theo biểu giá điện hiện hành.
Vì áp dụng thí điểm thông qua dữ liệu đo đếm từ công tơ điện nên sẽ chưa có tác động điều chỉnh được hành vi sử dụng điện trực tiếp tới khách hàng để sử dụng điện tiết kiệm và đem lại hiệu quả cho khách hàng. Tuy nhiên, đây là bước thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện hai thành phần nhằm giúp cơ quan quản lý xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần khi áp dụng phù hợp với thực tế.
Ở thời điểm hiện tại, việc áp dụng giá điện 2 thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm trên giấy đối với nhóm khách hàng sản xuất kinh doanh, chưa áp dụng với khách hàng sinh hoạt. Sau khi thí điểm, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc triển khai áp dụng phù hợp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo