Chính sách

ASEAN phải chuyển đổi để bảo đảm an ninh lương thực

DNVN - Trong bối cảnh các chuỗi giá trị cung ứng đang tan rã nhanh chóng, ASEAN phải chuyển đổi, hội nhập và điều chỉnh lại quan hệ đối tác trên lĩnh vực nông sản thực phẩm để bảo đảm an ninh lương thực.

Biến đổi khí hậu gây bất ổn an ninh lương thực thế giới / Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực

Chiều 1/6, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn chính sách lần thứ 2 "Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm khu vực ASEAN – Hậu COVID-19: Ứng phó các mối quan tâm về an ninh lương thực và tính bao trùm".

Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia; Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy lợi Myanmar cùng các tổ chức nông dân khu vực, cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu.

Diễn đàn chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm khu vực ASEAN – Hậu COVID-19. Ảnh: Hà Anh

Các ý kiến tham luận tại diễn đàn cho rằng: Các quốc gia thành viên ASEAN (ASEAN member states - AMS) đang ở một thời điểm quan trọng. Với tốc độ phát triển nhanh chóng và chuyển đổi hệ thống lương thực, AMS đã đạt được tiến bộ đáng kể nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về chấm dứt nạn đói, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số thách thức, thậm chí có thách thức trầm trọng hơn do tác động của đại dịch COVID-19 và sự biến đổi khí hậu. Những thách thức này đang đe dọa làm lùi tiến bộ nhiều năm của khu vực ASEAN, gia tăng lo ngại về an ninh lương thực.

Đặc biệt, diễn đàn chỉ ra các chuỗi giá trị trong ASEAN đang được quốc tế hóa và tình hình địa lý- chính trị ngày càng trở nên phức tạp.

Nằm cạnh các khu vực đông dân nhất và các chuỗi giá trị cung ứng đang tan rã nhanh chóng, khu vực ASEAN phải điều chỉnh lại quan hệ đối tác và tham gia trong cả chuyển đổi cũng như hội nhập trên lĩnh vực nông sản thực phẩm.

Có như vậy mới tận dụng được cơ hội từ môi trường liên kết bên ngoài của khu vực rất năng động, với các thỏa thuận như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và các quan hệ đối tác kinh tế khác.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp ASEAN đã giới thiệu “Mạng lưới các nhà phân tích và cố vấn chính sách” (NePAAA), với mục tiêu cung cấp các lựa chọn và khuyến nghị chính sách cho khu vực, nhất là thông qua chuỗi hội thảo trên web NePAAA thời gian tới.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm