Chính sách

Bàn giải pháp phát triển bảo hiểm cây lúa

DNVN - Để loại hình bảo hiểm cây lúa phát triển, theo TS Phan Anh Tuấn - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cần hình thành chuỗi giá trị sản xuất lúa hàng hóa để khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) triển khai sản phẩm, kích thích nhu cầu tham gia của hộ nông dân thuộc chuỗi giá trị.

Tăng mức chi viện phí cho người có bảo hiểm y tế / TP.HCM: Cho phép 318 doanh nghiệp tạm dừng đóng bảo hiểm

Gần 40 năm thực hiện nhưng kết quả rất hạn chế

Bảo hiểm nông nghiệp nói chung, trong đó có bảo hiểm cây lúa, đã được triển khai từ năm 1982, nhưng sau gần 40 năm, kết quả vẫn còn rất hạn chế.

Ngày 18/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp. Theo nghị định này, bảo hiểm cây lúa được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn.

Triển khai thực hiện Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, ngày 26/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm cây lúa là 7 tỉnh (Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp), thời gian thực hiện hỗ trợ phí từ ngày 26/6/2019 đến hết ngày 31/12/2020.

Ngày 25/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg; theo đó thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm cây lúa đến hết ngày 31/12/2021.

Sau Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, theo báo cáo của các DNBH, các doanh nghiệp này mới thực hiện cấp đơn bảo hiểm cây lúa tại Nghệ An, Thái Bình.

Hình thành chuỗi giá trị, kích thích nhu cầu tham gia bảo hiểm cây lúa.

Như vậy, sau rất nhiều cố gắng và quyết tâm của Chính phủ và các DNBH thì bảo hiểm cây lúa vẫn chỉ mới dừng lại ở thí điểm mà chưa đi vào cuộc sống của người nông dân.

Sự thất bại của bảo hiểm cây lúa có rất nhiều nguyên nhân. Về phía DNBH, số lượng cán bộ hiểu biết về cây lúa cũng như kiến thức về bảo hiểm còn hạn chế; chi phí khai thác lớn trong khi giá trị bảo hiểm nhỏ, phân tán.

Các DNBH chưa có phương thức quản lý rủi ro hữu hiệu đối với bảo hiểm cây lúa do số người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm rất lớn và có mặt rộng khắp trên mọi miền đất nước.

Công tác giải quyết bồi thường chậm, thủ tục còn phiền hà gây nhiều khó khăn cho người tham gia bảo hiểm dẫn đến tâm lý người dân không muốn tham gia bảo hiểm.

Vì mục tiêu hàng đầu của các DNBH là lợi nhuận nên khi tổn thất cao, lợi nhuận thấp không thu hút được nhiều DNBH. Do những đặc thù của sản xuất lúa, chi phí bán bảo hiểm lớn; việc kiểm tra, giám định và bồi thường gặp khó khăn... nên không thực sự hấp dẫn đối với DNBH.

Năng lực tài chính của các DNBH có hạn. Rủi ro thiên tại nhiều khi mang tính chất thảm họa do phạm vi, mức độ tàn phá, thiệt hại về mặt tài chính rất lớn, vượt quá năng lực tài chính của DNBH. Do vậy, DNBH chỉ lựa chọn một số rủi ro và triển khai trên một vài địa bản hạn chế.

Về phía người nông dân, người nông dân chưa có thói quen tham gia bảo hiểm. Tâm lý phổ biến của họ là lựa chọn các trường hợp chắc chắn xảy ra tổn thất mới tham gia bảo hiểm.

Về phía Chính phủ, hiện nay chỉ mới có cơ chế hỗ trợ phi cho hộ nông dân mà chưa hỗ trợ các DNBH, mặt khác, do tỷ lệ bồi thường cao nên các DNBH cũng không mặn mà khi triển khai loại hình bảo hiểm này.

Cần có chính sách ưu đãi cho DNBH

Để khuyến khích các DNBH triển khai sản phẩm bảo hiểm cây lúa, theo ông Tuấn, Chính phủ nên có các chính sách ưu đãi cho DNBH như: doanh thu từ bảo hiểm cây lúa không phải đóng thuế; hoặc hỗ trợ bồi thường bảo hiểm cây lúa trong các trường hợp thiên tại lớn...

Đặc biệt, Chính phủ cần cam kết là nhà tái bảo hiểm cuối cùng cho các DNBH, doanh nghiệp tại bảo hiểm nhằm đảm bảo sự tin tưởng, an toàn tài chính cho các DNBH triển khai bảo hiểm cây lúa.

Cùng với đó, cần chỉ định một số DNBH bắt buộc tham gia quá trình triển khai bảo hiểm cây lúa. Có càng nhiều DNBH triển khai bảo hiểm cây lúa thì càng có nhiều đơn vị thực hiện các hoạt động truyền thông, quảng bá, đồng thời, khả năng tiếp cận của hộ nông dân với bảo hiểm cây lúa càng được đảm bảo.

Trước mắt, Chính phủ có thể chỉ định bắt buộc với các DNBH mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối hỗ trợ DNBH đào tạo nguồn nhân lực để triển khai bảo hiểm cây lúa; hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu về rủi ro nông nghiệp và sản xuất lúa và hỗ trợ tài chính cho địa phương triển khai bảo hiểm cây lúa.

Ông Tuấn nhấn mạnh, sản xuất lúa theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung - cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bởi vậy, Chính phủ cần định hướng quá trình sản xuất lúa hướng tới sản xuất hàng hóa, từ đó xây dựng cơ chế hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất lúa. Hình thành chuỗi giá trị sản xuất lúa hàng hóa, kích thích nhu cầu tham gia bảo hiểm của hộ nông dân thuộc chuỗi giá trị.

Sự có mặt của DNBH trong chuỗi giá trị sản xuất lúa là sự bảo đảm về chất lượng hàng hóa nông nghiệp, giúp hàng hóa nông nghiệp tiếp cận tốt hơn với thị trường trong nước và quốc tế.

Ngược lại, khi hộ nông dân thấy được lợi ích từ việc DNBH tham gia chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa thì nhu cầu đối với bảo hiểm cây lúa sẽ tăng lên nhanh chóng.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm