Chính sách

Bộ Công Thương yêu cầu tăng sản lượng nhập khẩu xăng dầu trong quý II

DNVN - Theo Quyết định số 242/QĐ-BCT do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký ban hành ngày 24/2, 10 doanh nghiệp lớn có nhiệm vụ nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu trong quý II/2022 để phục vụ thị trường trong nước.

Miễn dịch cộng đồng đang ở đỉnh cao, không mở cửa du lịch là vô lý / Giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% với một số hàng hóa, dịch vụ

Quyết định số 242/QĐ-BCT về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II năm 2022 nêu rõ: Bộ Công Thương giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022 cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước không đạt kế hoạch, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục hồi kinh tế đất nước. Số lượng xăng dầu kinh doanh tạm nhập, tái xuất không tính vào lượng nhập khẩu xăng dầu giao bổ sung tại quyết định này.

10 doanh nghiệp lớn có nhiệm vụ nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu trong quý II gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Công ty TNHH Thủy Bộ Hải Hà, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty CPĐT DK Nam Sông Hậu, Công ty TNHH TMVT&DL Xuyên VIệt OIL, Tổng Công ty TMXNK Thanh Lễ, Công ty CPTM DK Đồng Tháp, Công ty CPĐT Thiên Minh Đức, và Công ty CP Hóa dầu Quân đội.

Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp được giao tăng sản lượng nhập khẩu xăng dầu phải thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn sản lượng xăng dầu giao bổ sung tại Quyết định 242. Đồng thời, phải chứng minh được hoạt động xuất, nhập khẩu của mình bằng các hóa đơn, chứng từ xuất, nhập xăng dầu trong mỗi tháng; báo cáo về Bộ Công Thương qua Vụ Thị trường trong nước tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 20 hàng tháng.

10 doanh nghiệp lớn có nhiệm vụ nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu trong quý II/2022 để phục vụ thị trường trong nước.

Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng giao Thanh tra Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện quyết định. Giao Vụ Thị trường trong nước tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện quyết định báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 25 hàng tháng.

Trước đó, ngày 22/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phủ ký ban hành Công điện số 160/CĐ-TTg về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Theo Công điện, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, xăng dầu phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.

Với Bộ Công Thương, để bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Bộ Công Thương cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, Bộ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và cơ quan, đơn vị liên quan để xác định cam kết sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước thời gian tới, làm cơ sở cho việc nhập khẩu xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm