Chính sách

Cần cắt giảm tối đa thủ tục giải ngân gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

DNVN - Hoạt động triển khai giải ngân các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp (DN) vẫn còn nhiều điểm "nghẽn". Do đó, trong năm 2023 cần có các giải pháp mạnh, hiệu quả hơn, khắc phục điểm "nghẽn", để các chính sách, nguồn vốn này nhanh chóng đến được người dân, DN.

Sớm triển khai cơ chế thử nghiệm để không tụt hậu trong phát triển tài chính, kinh tế / Triển khai sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế

Chưa thông suốt
Trong báo cáo giải trình gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) khẳng định, năm 2022, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách để hỗ trợ người dân và DN khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đúng như ý kiến của đại biểu Quốc hội, thực tế phản ánh vẫn còn những điểm "nghẽn" trong triển khai giải ngân các gói hỗ trợ cho người dân và DN.
Cụ thể, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân là do chênh lệch giữa số liệu tại thời điểm xây dựng chính sách và triển khai thực tế. Trình tự, thủ tục xác nhận, giải ngân còn phức tạp. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chưa quyết liệt.
Chính sách cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội gặp một số khó khăn. Cụ thể, huy động nguồn vốn cho vay gặp nhiều khó khăn. Có sự “lệch pha” giữa nhu cầu và kế hoạch cho vay của các chương trình tín dụng. Một số thông tư hướng dẫn thực hiện còn vướng mắc.

Theo Bộ KH&ĐT, cần giảm bớt thủ tục để khơi thông các điểm "nghẽn" trong giải ngân gói hỗ trợ người dân, DN.
Chính sách Hỗ trợ lãi suất (HTLS) 2% còn hạn chế do nhiều trường hợp thuộc đối tượng nhưng Hợp đồng tín dụng ký kết trước 1/1/2022 chưa đến kỳ xác định lại hạn mức tín dụng mới. Ngân hàng thương mại (NHTM) còn ngần ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây chưa được quyết toán chi phí. Thủ tục, điều kiện khó khăn trong việc NHTM xác định tiêu chí “có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi”.
Hầu hết các khách hàng quan ngại về việc sau khi được hỗ trợ lãi suất, sau này phải cung cấp thông tin cho các đoàn thanh tra, kiểm tra sau này, có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN. Trường hợp đã hạch toán lợi nhuận, chia cổ tức, trường hợp thanh tra, kiểm toán yêu cầu thu hồi, DN không cân đối được nguồn thu để trả lại số tiền đã được nhà nước hỗ trợ.
Ngoài ra, nhiều khách hàng đã được hưởng ưu đãi từ NHTM như: miễn lãi, giảm lãi, điều chỉnh kỳ hạn nợ… do vậy chưa có nhu cầu hỗ trợ. Khách hàng kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau, hoặc khách hàng vừa thực hiện sản xuất, vừa kinh doanh thương mại nên việc xác định ngành nghề HTLS, bóc tách giữa hoạt động sản xuất và thương mại gặp khó khăn…
Phải cắt giảm tối đa thủ tục
Để các chính sách hỗ trợ người dân, DN hiệu quả hơn, trong thời gian tới, Chính phủ cần tập trung ưu tiên tiến hành rà soát các quy trình, thủ tục hỗ trợ người dân và DN theo các gói hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi. Điều chỉnh hoặc báo cáo Quốc hội điều chỉnh, bổ sung các quy định nhằm cắt giảm tối đa thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân và DN kịp thời được thụ hưởng các chính sách, sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mở rộng kênh huy động vốn ngoài ngân hàng cho các DNNVV, DN khởi nghiệp. Cụ thể, nghiên cứu xây dựng Sàn giao dịch chứng khoán cho các DNNVV với điều kiện niêm yết, năng lực tài chính và hồ sơ pháp lý không quá chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc thí điểm và cấp phép cho các mô hình công nghệ tài chính mới như gọi vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng để tạo thêm kênh tiếp cận vốn cho DNNVV.
Tăng cường quản lý rủi ro thị trường trái phiếu DN. Thúc đẩy sự liên kết giữa các DN trong nước và DN FDI. Nghiên cứu xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030. Trong đó có cơ chế Chính phủ hỗ trợ, khuyến khích các DN FDI đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho lao động của các DN nội địa.
Tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết các bất cập do quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, đấu thầu, xây dựng và tài nguyên, môi trường; chủ động hoặc đề xuất cấp thẩm quyền cắt giảm hoặc đơn giản hoá các quy định về trình tự, thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh do cấp mình quản lý...
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm