Chính sách

Chính phủ phát huy tinh thần bám sát doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ khó khăn

DNVN - Nhận định kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo sẽ đối mặt với cả thách thức bên ngoài và thách thức nội tại với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng Chính phủ cần phát huy tinh thần bám sát doanh nghiệp.

Sớm triển khai cơ chế thử nghiệm để không tụt hậu trong phát triển tài chính, kinh tế / Nhận diện những thách thức sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo sẽ đối mặt với cả thách thức bên ngoài và thách thức nội tại. Có những thách thức mà chúng ta có thể đâu đó đã dự đoán được trước, nhưng cũng có những thách thức, yếu tố mà chúng ta có thể rất khó để dự đoán.

Về phía bên ngoài, sự báo về suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay hầu hết các tổ chức đều dự báo sẽ suy giảm và tiếp tục khó khăn trong năm 2023. Đặc biệt, nếu nhìn sâu hơn về một số thị trường mà Việt Nam có quan hệ thương mại lớn, đối tác lớn như Mỹ, EU thì đều được dự báo là có mức độ suy giảm rất đáng kể.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng Chính phủ
cần phát huy tinh thần bám sát doanh nghiệp.

Có những điểm Việt Nam không dự đoán trước được liên quan đến tác động của xung đột Nga-Ucraina. Liệu sẽ có các biện pháp trừng phạt kinh tế, biện pháp trả đũa nào khác? Diễn biến của cuộc xung đột sẽ tác động đến các vấn đề về lương thực, nguyên vật liệu, dòng thương mại hàng hóa như thế nào? Rất khó để dự đoán, thậm chí đã manh nha các chính sách mới không chỉ là chính sách điều hành cho phát triển kinh tế.

Ví dụ như vấn đề nhập khẩu, xuất khẩu, EU đang gấp rút để triển khai thuế CO2 (đánh thuế các bon đối với những mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm). Rồi chính sách về thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ tác động, ảnh hưởng rất lớn tới thu hút đầu tư, huy động nguồn lực của Việt Nam, ảnh hưởng tới cả quan hệ kinh doanh thương mại quốc tế.

“Trong nội lực của nền kinh tế, chúng ta phải đối diện với rất nhiều thách thức. Khu vực chính của chúng ta là khu vực doanh nghiệp từ quý 4/2022 khó khăn ngày càng hiện hữu, đặc biệt là các con số về suy giảm đơn hàng, suy giảm số doanh nghiệp gia nhập thị trường. Trong khi, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, cao hơn cả những năm trong điều kiện nền kinh tế bình thường và nền kinh tế khó khăn 2020-2021. Điều này rất đáng chú ý”, ông Hiếu nói.

Cũng theo Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, hiện nay nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tồn tại vấn đề cố hữu về năng suất lao động. Năm 2022, các chỉ tiêu kinh tế đạt được rất nhiều nhưng chỉ tiêu về năng suất lao động chỉ gần đạt.

Cùng với đó là những rủi ro trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, thị trường vốn - nguồn lực rất quan trọng cho phục hồi phát triển kinh tế. Những vấn đề này đều có ảnh hưởng, tác động rất lớn và sẽ gia tăng thêm khó khăn thách thức trong năm 2023.

Để vượt qua những thách thức, theo ông Hiếu, cần sự hành động mạnh mẽ của cả Chính phủ và doanh nghiệp cũng như người dân. Cần phát huy những giải pháp tạo đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế năm 2022 với tâm thế tự tin, bài bản và chiến lược hơn.

“Doanh nghiệp rất nỗ lực. Tôi đã gặp rất nhiều doanh nghiệp, họ trao đổi về sự tự thân nỗ lực vươn lên, không nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Họ chia sẻ cơ hội đó cho các doanh nghiệp khác. Hợp tác của người dân rất chặt chẽ với chính quyền trong giai đoạn vừa qua. Những đặc điểm này cần được phát huy hơn nữa trong hành động cụ thể của năm 2023”, ông Hiếu nói.

Đối với Chính phủ, ông Hiếu cho rằng Chính phủ nên ưu tiên thực thi các giải pháp đã đề ra và hoàn thành một cách sớm nhất, thực thi một cách quyết liệt nhất mới tạo ra bệ đỡ cho tăng trưởng phục hồi và giảm bớt những khó khăn.

“Dự liệu sẽ có biến số khó khăn mới, Chính phủ phải phát huy tiếp tinh thần bám sát doanh nghiệp, có giải pháp mới, điều chỉnh giải pháp hỗ trợ thỏa đáng và kịp thời hơn khó khăn của doanh nghiệp.

Tôi lấy ví dụ, phải xem xét lại giải pháp nguồn lực trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế, có nguồn lực chúng ta chưa dùng đến vì bối cảnh thay đổi, cần xem xét liệu có thể điều chỉnh để giải quyết những khó khăn mới xuất hiện. Hay có những chính sách đã hết như giảm thuế VAT, Chính phủ nên xem xét điều chỉnh gia hạn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Hiếu khuyến nghị.

Doanh nghiệp cần cùng với Nhà nước, Chính phủ phát huy tinh thần tự lực tự cường.

Đối với những khó khăn đã phát hiện, việc giải quyết một cách dứt điểm là vô cùng quan trọng, mặc dù đây là việc khó. Nhưng Chính phủ phải làm được thì mới có thể vượt qua khó khăn, cụ thể như khó khăn về thị trường vốn, trái phiếu.

Cùng với đó, cách thức giải quyết khó khăn của Chính phủ phải minh bạch, giúp người dân và doanh nghiệp dự đoán trước được kết quả. Nếu như các chính sách khiến người dân và doanh nghiệp không dự đoán trước được thì rất khó để họ xây dựng được kế hoạch kinh doanh.

Về phía doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp cũng phải cùng với Nhà nước, Chính phủ phát huy tinh thần tự lực tự cường. Rất nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng bài bản.

“Cộng đồng doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ hơn để ứng phó với các khủng hoảng. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú ý về các vấn đề pháp lý, kinh doanh dài hạn, tôn trọng và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, cổ đông. Cần tránh những câu chuyện mà chúng ta biết, doanh nghiệp đang phát triển tự nhiên rơi vào khủng hoảng mà không biết bởi những lý do không đáng có.

Sự hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp chuyển hướng thị trường, nếu khó khăn cho thị trường đầu ra thì sự hợp tác này sẽ cộng hưởng nâng sức chống chịu, tính nội tại của nền kinh tế”, ông Hiếu cho biết.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm