Chính phủ: Quản lý chặt chẽ giá cả, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh
DNVN - Quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh... là những nhiệm vụ quan trọng được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 85/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành.
Phát triển các lĩnh vực "xanh" để thu hút vốn đầu tư nước ngoài / Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ
Theo Nghị quyết số 85/NQ-CP về hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022: Kinh tế thế giới được dự báo phục hồi chậm lại, diễn biến khó lường và gặp nhiều khó khăn. Lạm phát tiếp tục ở mức cao ở một số nền kinh tế lớn. Xung đột tại Ukraine có thể kéo dài, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt. Tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong 6 tháng cuối năm có thể nghiêm trọng hơn. Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ở trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, áp lực lạm phát gia tăng, chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của những biến động bên ngoài do độ mở cao, trong khi sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế còn hạn chế...
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, theo dõi chặt chẽ tình hình, sẵn sàng phương án điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo ứng phó kịp thời với diễn biến thế giới, trong nước.
Thách thức lớn với doanh nghiệp và nền kinh tế khi giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.
Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kiên định mục tiêu ưu tiên và nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất hiện nay là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH đã đề ra cho năm 2022.
Chính phủ yêu cầu trong 6 tháng cuối năm các cấp, các ngành, các địa phương phải tập trung 13 nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể như sau:
Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường, tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bảo đảm vững chắc nguồn cung năng lượng, an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Thúc đẩy thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài.
Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện tổ chức, bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước.
Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong hệ thống hành chính nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự, an toàn xã hội; chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo