Chính sách

Chuyển dịch năng lượng: Không thể trông chờ hết vào khu vực tư nhân

DNVN - Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đã và đang là động lực quan trọng cho tiến trình chuyển dịch năng lượng. Tuy vậy, lĩnh vực này không thể trông chờ hết vào khu vực tư nhân, thay vào đó Chính phủ phải có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho khu vực này.

Sớm đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng xanh để tránh các chi phí lớn / Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu đặc biệt tại WEF Đại Liên

Thúc đẩy phát triển công nghệ

Nhu cầu năng lượng của nước ta ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ và hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng khoảng 8-10%/năm trong những năm tới, bên cạnh vấn đề về nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt đang dần cạn kiệt và gây hại cho môi trường, điều này đặt ra thách thức lớn trong việc bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững, đồng thời làm gia tăng áp lực phải tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế.

Tại diễn đàn "Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024" ngày 27/6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Mai Dương - Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh, chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam là một quá trình quan trọng và cần thiết trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức về năng lượng và môi trường. Việt Nam đang thực hiện nhiều bước để chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng tái tạo và bền vững hơn.

Trong khi đó, chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam đối diện nhiều thách thức. Mặc dù chi phí của các công nghệ năng lượng tái tạo đã giảm đáng kể, việc triển khai trên quy mô lớn vẫn đòi hỏi đầu tư ban đầu cao, nhất là điện gió. Hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng đủ để tích hợp năng lượng tái tạo. Một số nguồn năng lượng tái tạo không bảo đảm tính liên tục...


Việt Nam đang thực hiện nhiều bước để chuyển dịch năng lượng.

Ông Nguyễn Sĩ Đăng - Phó vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN) cho rằng, Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nội địa hóa sản xuất thiết bị ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, đặc biết là điện gió, điện mặt trời, thủy điện, khí hóa lỏng tại Việt Nam.

Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển công nghệ cho chuyển dịch năng lượng, chính sách phát triển khoa học và công nghệ cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam cần tập trung vào các mục tiêu cụ thể để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo và bền vững hơn.

Theo đó, cần xây dựng các chương trình phát triển công nghệ trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới. Xây dựng cơ chế thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển, giúp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất và đời sống.

Cần chính sách hỗ trợ

Ông Phillip Munzinger - Giám đốc Chương trình Hỗ trợ năng lượng – GIZ Việt Nam nhìn nhận, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đã và đang là động lực quan trọng cho tiến trình chuyển dịch năng lượng. Tuy vậy, không thể trông chờ hết vào khu vực tư nhân về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Năm 2022, tổng ngân sách đầu tư của Đức cho nghiên cứu và đổi mới lên tới 1,5 tỷ Euro.

"Chính phủ phải có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho khu vực tư nhân, qua đó sẽ đóng góp vào việc bảo đảm an ninh năng lượng cũng như phát triển kinh tế quốc gia", chuyên gia khuyến nghị.

Ở góc nhìn tổng quan hơn, bà Vũ Chi Mai - Giám đốc dự án CASE, GIZ cho biết, để thành công trong chuyển dịch năng lượng, phải đáp ứng 4 yếu tố. Thứ nhất, cần chính sách dài hạn, minh bạch để khuyến khích nhà đầu tư. Đi kèm với chính sách đó là công tác quản trị, theo dõi việc triển khai chính sách xem có đáp ứng thị trường hay không.


Chuyên gia khuyến nghị Chính phủ phải có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho khu vực tư nhân, qua đó góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ hai là nguồn vốn, bởi chuyển sang nền kinh tế xanh, nguồn tài chính rất quan trọng, là yếu tố then chốt. Thứ ba, nguồn nhân lực tiếp nhận công nghệ mới và làm chủ được một phần công nghệ mới trong chuỗi giá trị. Thứ 4, thị trường của Việt Nam làm sao phải đủ tính cạnh tranh. Trong đó sự cam kết của Chính phủ ở đâu trong khu vực để biến Việt Nam thành thị trường có tính hấp dẫn hơn.

Phân tích sâu yếu tố nhân lực, bà Vũ Chi Mai cho biết, việc thiếu hụt nguồn cung, kỹ sư công nghệ cao khiến chi phí đầu tư dự án tăng lên. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần chủ động nguồn nhân lực để vận hành, phát triển và sản xuất.

"Trong khuôn khổ dự án CASE, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan quản lý rà soát lại thế mạnh của Việt Nam trong chuỗi giá trị điện gió, điện mặt trời; cùng nhìn xem Việt Nam có thể làm tốt hơn ở đâu để đạt được tỷ lệ nội địa hoá cao hơn. Từ đó sẽ đưa ra lộ trình công nghệ trong một mắt xích chuỗi giá trị để Việt Nam đạt tỷ lệ nội địa hoá tốt nhất trong chuỗi giá trị đó.

Đến từ doanh nghiệp tư nhân, ông Võ Lê Duy Đức - Giám đốc Đầu tư và Phát triển mảng năng lượng của Vinfast chia sẻ, xe điện là sản phẩm công nghệ mới, người dùng còn có những băn khoăn nhất định, đặc biệt là hạ tầng trạm sạc. Do đó, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và cơ quan, ban ngành có chính sách khuyến khích nhất định dành cho các đơn vị phát triển hạ tầng trạm sạc, thậm chí cả chính sách ưu đãi về giá điện cho người sử dụng cuối, đặc biệt là những người sử dụng xe điện tại trạm sạc.

Ngoài ra, Vinfast mong muốn khu vực công có những chương trình, dự án nâng cao nhận thức chung về việc sử dụng xe điện và phương tiện không phát thải.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm