Chuyên gia Nguyễn Thy Nga: Việt Nam nên chủ động tham gia thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu
DNVN - Bà Nguyễn Thy Nga - Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển cho rằng, Việt Nam nên chủ động tham gia thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu để tranh thủ được lợi thế, có cơ hội xây dựng chính sách, cải thiện môi trường và thu hút đầu tư...
Bà Rịa - Vũng Tàu: Trữ lượng dầu khí gần bờ đã dần cạn kiệt / Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã: Thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng
Áp dụng từ ngày 1/1/2024
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chính sách, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng.
Hiện 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, đồng thuận với giải pháp cải cách thuế 2 trụ cột. Trong đó, trụ cột 2 về mức thuế TTTC là 15% sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2024. Các công ty đa quốc gia (MNE) có doanh thu hợp nhất toàn cầu hằng năm từ 750 triệu Euro (tương đương 870 triệu USD) trở lên sẽ phải đóng thuế 15%, dù ở bất kỳ quốc gia nào.
Hiện hơn 1.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế TTTC. Trong đó, hơn 70 DN có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế TTTC ngay từ năm 2024.
Tháng 2/2023, bà Nguyễn Thy Nga - Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển (Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã công bố báo cáo “Đánh giá tác động của thuế suất TTTC và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam” giai đoạn 1. Đồng thời gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, cùng các cơ quan liên quan và tiếp tục liên kết nghiên cứu về thuế suất TTTC, tăng cường nguồn lực tư nhân tham gia xây dựng góp ý chính sách kinh tế quốc gia.
Tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài Chính chủ trì xây dựng “Đề án Nghiên cứu phản ứng chính sách ứng phó của một số quốc gia trên thế giới về thuế TTTC và bài học kinh nghiệm với Việt Nam”, theo Quyết định 308 của Thủ tướng Chính phủ.
Bà Nguyễn Thy Nga - Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển.
Tại hội thảo công bố kết quả báo cáo "Đánh giá tác động thuế suất tối thiểu toàn cầu và chủ trương, chính sách Việt Nam chủ động tham gia thuế suất toàn cầu" do Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển tổ chức ngày 21/4 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thy Nga cho biết, thuế TTTC tác động đến kinh tế quốc gia, chính sách nội luật, DN, ngoại giao.
Hiện mức thuế suất phổ thông tại Việt Nam là 20%. Trên cơ sở ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt, DN được hưởng ưu đãi thuế TNDN với mức thuế suất 0%, 5%, 7,5% hoặc 10%. Theo cách tính toán thuế suất hiệu quả ETR, mức thuế suất hiệu quả tại Việt Nam của các công ty con thậm chí còn có thể thấp hơn mức thuế ưu đãi này.
Ưu đãi thuế đã tạo ra môi trường đầu tư không công bằng cho các DN vừa và nhỏ. Tại Việt Nam, trong cùng một năm, thuế TNDN thực nộp đối với các công ty có nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất là 8%. Tuy nhiên, đối với các DN trong nước ở mức 14,5% và hơn 16% đối với các DN nhà nước có quy mô vốn lớn.
Các thách thức vĩ mô
Tại hội thảo, các ý kiến đều nhận định, thuế TTTC là chính sách phát sinh từ bên ngoài có ảnh hưởng, tác động sâu sắc nhiều mặt đến Việt Nam với tư cách là một quốc gia thu hút, tiếp nhận đầu tư. Xu hướng toàn cầu này không chỉ đặt ra những yêu cầu mới đối với cộng đồng DN, mà còn đòi hỏi phải có những thích ứng nhanh chóng, kịp thời từ phía các cơ quan chức năng.
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia tham dự và chia sẻ quan điểm.
Theo bà Thy Nga, ở góc độ Chính phủ, trụ cột 2 tác động đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên nhiều phương diện như thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển công nghiệp quốc gia, xuất khẩu, dự trữ ngoại hối
Ở góc độ doanh nghiệp, MNE nào chịu tác động trụ cột 2, năm nào thuộc phạm vi áp dụng, DN con nào thuộc MNE đang có hoạt động, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam cũng như cách tính toán thuế suất hiệu quả tại các nước nguồn và số thuế bổ sung phát sinh.
Ở góc độ triển khai, trụ cột 2 chỉ áp dụng với các MNE có doanh thu 750 triệu Euro trong ít nhất 2 năm tính trong 4 năm liền kề trước năm rà soát. Chính phủ Việt Nam cần có đủ thông tin, dữ liệu và áp dụng đúng các tiêu chí OECD hướng dẫn, thống nhất.
Với phân tích trên, theo bà Thy Nga, Việt Nam nên thể hiện quan điểm ủng hộ và chủ động tham gia thoả thuận thuế TTTC. Việt Nam có quyền đánh thuế chính đáng và thêm nguồn thu lớn từ phần thu thuế bổ sung. Việc tham gia thỏa thuận này, Việt Nam sẽ tranh thủ được lợi thế thu thuế sớm so với các nước khác. Đồng thời có cơ hội chủ động xây dựng chính sách và cải thiện môi trường và thu hút đầu tư...
GS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hôi đồng giáo sư ngành kinh tế, Hội đồng Tư vấn chính sách và tài chính tiền tệ quốc gia.
GS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hôi đồng giáo sư ngành kinh tế, Hội đồng Tư vấn chính sách và tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, TTTTC đã trở thành vấn đề nóng, được cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam và các nước quan tâm. Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm từ quốc tế trong việc đưa ra giải pháp ứng phó vì chỉ còn 7 tháng nữa phải chính thức áp dụng. Đa số các nước trong ASEAN là những nước nhận đầu tư, đón nhận dòng vốn đầu tư, có sự cạnh tranh trong nội khối với Việt Nam trong việc thu hút FDI.
Tại Việt Nam, thuế TTTC cũng là chủ đề được cộng đồng DN, Chính phủ và các bộ ngành quan tâm. Đa số các ý kiến hiện nay cho rằng, các ưu đãi thuế của Việt Nam sẽ không còn hiệu lực, mà phải dựa vào những thế mạnh khác của Việt Nam. Bình quân thuế suất Việt Nam áp với các tập đoàn lớn khoảng 12% - tức là thấp hơn mức thuế TTTC 15%. Công ty mẹ sẽ phải đóng thêm ở nước sở tại là 3% để đủ mức thuế TTTC.
Phải giành quyền chủ động đánh thuế
GS Trần Thọ Đạt cho biết, hiện chưa có những phân tích, đánh giá thật đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của việc áp dụng thuế TTTC, nhất là những tác động bất lợi đối với những đối tượng nhà đầu tư mà ta đã cam kết ưu đãi. Từ đó ảnh hưởng đến tính hấp dẫn, cạnh tranh thu hút đầu tư của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Với thuế TTTC, Việt Nam phải giành quyền chủ động đánh thuế lên mức 15% hoặc áp dụng mức thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn. Cùng với đó, Việt Nam cần phải tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi để bảo đảm cạnh tranh hiệu quả trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước liên quan, đặc biệt là những nước có hoàn cảnh, điều kiện tương tự như Việt Nam, cần có đánh giá kỹ lưỡng tất cả các tác động, nhất là tác động bất lợi để có các giải pháp ứng xử phù hợp.
Đưa ra khuyến nghị, bà Thy Nga cho rằng, Việt Nam nên sớm ban hành chủ trương thí điểm việc áp dụng thuế TTTC và xây dựng các kịch bản trả lời cho các đối tượng chịu tác động. Rà soát và có thể duy trì chính sách ưu đãi thuế hợp lý đối với các DN không thuộc đối tượng điều chỉnh của thuế TTTC.
Chủ động liên kết các nước trong khu vực để cùng đàm phán Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, chuyển giá, gian lận thuế và những rủi ro pháp lý khác.
Cần có cổng thông tin về thuế suất và công khai minh bạch đồng bộ hoá chính sách thuế và đầu tư nước ngoài, phù hợp trong bối cảnh kinh tế số và cơ sở dữ liệu liên thông.
Ngoài ra, cần chủ động đối thoại và tham vấn rộng rãi với các DN trong nước có vốn đầu tư nước ngoài, các DN đầu tư ra nước ngoài và các quốc gia có DN thuộc đối tượng phải nộp thuế bổ sung; có lộ trình rõ ràng, phù hợp mục tiêu thu hút FDI và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo