Chính sách

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU và các tác động đến ngành thép Việt Nam

DNVN - Phát biểu tại hội thảo "Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU và tác động đến ngành thép Việt Nam” ngày 18/7, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, trong ngắn hạn, tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh Châu Âu (CBAM) đối với Việt Nam là không lớn.

Đề nghị EU và Trung Quốc làm rõ tiêu chí về nông sản Việt xuất khẩu / Tỷ lệ lấy mẫu kiểm tra thanh long của EU quá cao: Hiệp hội Rau quả "kêu cứu"

Ngày 8/2/2023, Nghị viện châu Âu và Hội đồng Châu Âu đã công bố những cập nhật mới nhất về kế hoạch triển khai CBAM trong bản thỏa thuận tạm thời được thông qua từ các cuộc đàm phán đa phương về đề xuất CBAM.

Theo đó, CBAM sẽ bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 năm kể từ ngày 1/10/2023. Sau giai đoạn chuyển tiếp, cơ chế này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 và vận hành hoàn toàn vào năm 2034.

Trong khoảng thời gian này, CBAM sẽ dần dần được áp dụng song song với việc loại bỏ dần các hạn ngạch miễn phí trong Hệ thống giao dịch phát thải của EU (EU ETS). Do đó, CBAM sẽ chỉ áp dụng đối với tỷ lệ phát thải không được hưởng lợi từ hạn ngạch miễn phí của ETS trong giai đoạn 2026 - 2034.

Phát biểu tại hội thảo "Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU và tác động đến ngành thép Việt Nam”, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định: trước mắt và trong ngắn hạn, 5 ngành thuộc phạm vi áp dụng cơ chế CBAM theo dự luật hiện tại của EU sẽ có khả năng bị tác động.

Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, trong ngắn hạn, tác động của CBAM đối với Việt Nam là không lớn.

Cụ thể là các ngành sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm và điện. Nếu danh sách các mặt hàng áp dụng theo CBAM chỉ gồm 5 ngành hàng này thì tác động đối với Việt Nam là không lớn.

Cũng theo ông Đa, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất siêu hàng hoá của Việt Nam sang EU ước đạt 14,5 tỷ USD, giảm 9,8%. Trong đó, xuất khẩu thép 6 tháng 2023 ước đạt 1,36 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 và giảm nhẹ về trị giá xuất khẩu.

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và nỗ lực thực hiện các hoạt động nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua mục tiêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Việt Nam cũng xác định công cụ định giá carbon được áp dụng trong thời gian tới là thị trường carbon nội địa thông qua việc áp dụng hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các đối tượng phát thải lớn.

Do đó, một số mặt hàng sản xuất bởi các cơ sở trong thị trường carbon nội địa của Việt Nam có thể được EU xem xét, áp dụng mức thuế carbon biên giới phù hợp.

“Ngành thép Việt Nam và các doanh nghiệp thép đang tiếp tục thực hiện phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng để có các hành động đáp ứng được CBAM.

Đồng thời, tiến hành các nghiên cứu đánh giá tác động tới Việt Nam đối với các ngành thép có rủi ro rò rỉ carbon cao theo danh sách của EU. Nghiên cứu giải pháp và lộ trình triển khai nhằm cân bằng việc dần giảm phát thải carbon đối với mọi ngành sản xuất, bảo đảm tính cạnh tranh với thế giới”, ông Đa cho biết.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm