Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang EU tăng 91%
DNVN - Với kim ngạch xuất khẩu (XK) cá tra sang EU đến giữa tháng 7/2022 đạt gần 122 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2021, XK cá tra sang EU nửa cuối năm được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao và sẽ mang về lượng ngoại tệ khoảng trên 200 triệu USD trong cả năm 2022, tăng 90% so với năm 2021.
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ đầu tư về khoa học - công nghệ để tận dụng lợi thế từ EVFTA / Nhu cầu tìm kiếm du lịch tăng vọt, chứng khoán “hụt hơi”
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), EU từng là thị trường nhập khẩu (NK) cá tra lớn nhất của Việt Nam với doanh số đỉnh điểm là 511 triệu USD vào năm 2010, chiếm 36% XK cá tra của Việt Nam. Cá tra Việt Nam cũng từng chiếm 22% thị phần cá thịt trắng NK vào EU vào thời điểm đó.
Từ sau thời điểm cá tra bị đưa vào danh sách đỏ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) năm 2010 cùng với chiến dịch truyền thông bôi nhọ ở một số nước châu Âu với các bài báo, chương trình truyền hình phản ánh sai lệch và tiêu cực về hình ảnh nuôi cá tra ở Việt Nam, XK cá tra sang thị trường này tuột dốc không phanh.
Tới năm 2021, XK cá tra sang EU chỉ đạt hơn 106 triệu USD, chiếm 7% tổng XK cá tra của Việt Nam. Trên thị trường NK cá thịt trắng EU, cá tra Việt Nam chỉ còn chiếm 1,6% thị phần.
Đến giữa tháng 7/2022, xuất khẩu cá tra đạt gần 122 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiệp định EVFTA Việt Nam – EU có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 mang lại một kỳ vọng lớn cho XK thuỷ sản, trong đó có cá tra sang thị trường này. Theo đó, các sản phẩm cá tra sẽ được giảm thuế theo lộ trình 3 năm, riêng cá tra hun khói lộ trình giảm thuế là 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Tuy nhiên, lợi thế về thuế quan cũng không thúc đẩy tăng XK cá tra sang EU trong giai đoạn 2020 – 2021, vì đại dịch COVID-19. Giãn cách xã hội và phong toả khiến phân khúc dịch vụ thực phẩm – kênh tiêu thụ lớn nhất của các tra phile tại châu Âu bị đóng cửa. Chuỗi cung ứng đứt gãy vì logistic bị đình trệ, thiếu container xuất hàng và cước vận tải biển 4-10 lần so với trước dịch. Đây là một bất lợi với ngành hàng cá tra vì giá không thể bù cho chi phí đội lên quá cao.
Năm 2022, nhu cầu của các thị trường bùng nổ sau 2 năm kìm nén, sản xuất nội địa không đủ đáp ứng. Đặc biệt bối cảnh địa chính trị thế giới là xung đột Nga – Ukraine dẫn đến hàng loạt lệnh trừng phạt của các nước với kinh tế và thương mại của Nga. Từ khi xảy ra chiến sự Nga – Ukraine, EU đã đưa ra 7 gói trừng phạt với kinh tế thương mại Nga trong đó có lệnh cấm NK hải sản của Nga, trong khi Nga là nguồn cung cá thịt trắng lớn nhất cho EU.
Thiếu nguyên liệu cá thịt trắng giữa bối cảnh lạm phát tăng kỷ lục tại EU, đó lại là cơ hội lớn cho sản phẩm cá tra Việt Nam. Thuế quan ưu đãi EVFTA càng phát huy thêm lợi thế cho cá tra Việt Nam sang EU trong năm 2022.
Tính đến giữa tháng 7/2022, tất cả các thị trường trong khối EU đều tăng mạnh NK cá tra Việt Nam, mức tăng trưởng thấp nhất là 25%, cao nhất là tăng gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Top 5 thị trường lớn nhất trong khối gồm Hà Lan tăng 72% và chiếm 30% XK cá tra sang EU. Đức tăng 107%, chiếm 12%. Tây Ban Nha tăng 75% và chiếm gần 10%. Bỉ tăng 92% và chiếm 9,7%. Italy tăng 90% và chiếm gần 8% tỷ trọng.
Hơn 93% giá trị XK cá tra sang EU là từ sản phẩm cá tra phile đông lạnh với giá trị 113,5 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ. Sản phẩm cá tra cắt khúc đông lạnh chiếm khoảng 4,4%, còn lại là cá tra chế biến chiếm 1,6%.
VASEP nhận định, với những cơ hội thị trường và lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), dự báo XK cá tra sang EU nửa cuối năm tiếp tục tăng trưởng cao và cả năm 2022 sẽ mang về lượng ngoại tệ khoảng trên 200 triệu USD, tăng 90% so với năm 2021.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sửa đổi 5 nhóm chính sách tại Luật Đầu tư công
Xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý, sử dụng nhà chung cư
Bão số 3 đổ bộ đất liền, hoạt động mua bán giảm mạnh
Dự báo tới cuối năm xuất khẩu thuỷ sản cán mốc 9,5 tỷ USD
Cổ phiếu TNA của Thiên Nam bị đình chỉ giao dịch
Đấu giá đất - Bài 1: Làn sóng 'giá ảo' và hệ lụy khó chữa
Cột tin quảng cáo