Chính sách

Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước: Khó khăn là để đối mặt chứ không lùi bước

DNVN - Đánh giá về Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025”, luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Công ty luật TGS thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, khó khăn trong quá trình thực thi đề án là để đối mặt chứ không lùi bước.

Đại biểu Quốc hội lo ngại tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước / Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Chủ yếu là chuyển giao nội bộ

Ngày 17/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” đã nêu rõ các quan điểm, mục tiêu trong cơ cấu lại DNNN. Đồng thời, đề ra chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, đặt ra nhiệm vụ và giải pháp; chỉ rõ nhiệm vụ báo cáo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của từng cơ quan, đơn vị thực hiện liên quan.

Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Công ty luật TGS thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, quyết định này rất quan trọng, đúng đắn và mang tầm chiến lược, xác định rõ vấn đề cần đối mặt để giải quyết những khó khăn, hạn chế DNNN trong nền kinh tế hiện nay. Bởi lẽ, nhắc đến DNNN mọi người thường nhìn vào những yếu kém, thua lỗ, lãng phí tài nguyên và sai phạm còn tồn đọng. Đặc biệt là trong vấn đề tham nhũng “lợi ích nhóm”.

Quyết định cơ cấu lại DNNN trong đề án đã đi sâu vào tái cơ cấu đúng bản chất và thực chất chứ không chỉ đơn thuần chỉ là “cổ phần hoá và thoái vốn”, thu gọn DNNN bằng mọi giá. Đề án nhấn mạnh vào trọng điểm “trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025” một cách có lộ trình cụ thể.

“Những doanh nghiệp được giữ lại thì sẽ có chính sách hỗ trợ để phát triển hơn, không để DNNN tự bươn chải. Đề án đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong lần cơ cấu lại DNNN lần này. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại là hoạt động phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Quá trình thoái vốn có thể gặp phải một số khó khăn và thách thức”, ông Tuấn nói.

Hoạt động tái cơ cấu DNNN còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, quá trình thoái vốn trong cơ cấu lại DNNN đang gặp phải rào cản pháp lý, định giá tài sản, cách quản lý và tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp cũng như những thách thức trong việc bảo đảm công bằng, xử lý nợ xấu. Quá trình thoái vốn thường liên quan đến việc thay đổi cấu trúc sở hữu và quản lý doanh nghiệp, với mức độ thoái vốn khác nhau khá “phức tạp”.

Điều này đòi hỏi sự điều chỉnh và cập nhật các quy định pháp lý, gắn kết với việc thoái vốn. Việc xây dựng hệ thống pháp lý linh hoạt và minh bạch là một điều kiện quan trọng để tăng cường quá trình thoái vốn.

Vấn đề định giá tài sản khá phức tạp và tác động đến quyết định định giá cổ phần, thỏa thuận thoái vốn. Việc có một quy trình định giá minh bạch và công bằng là cần thiết để bảo đảm sự công bằng và thuận lợi cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Nợ của doanh nghiệp là tất yếu nhưng có nhiều hệ lụy khôn lường. Đó là những khoản nợ đan chéo giữa doanh nghiệp với Nhà nước, với ngân hàng, các tổ chức tín dụng; giữa doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp với dân cư… Trên thực tế hiện nay, theo kết quả kiểm toán, kết quả thanh tra và kiểm tra, có DNNN có số nợ gấp vài lần, thậm chí cả chục lần trên vốn chủ sở hữu. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với quá trình tái cơ cấu DNNN.

Về khó khăn trong quản lý, quá trình thoái vốn đòi hỏi một quá trình quản lý chặt chẽ và hiệu quả. Đảo đảm sự chuyển giao trơn tru, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này có thể đòi hỏi đội ngũ quản lý có kinh nghiệm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía chính phủ và doanh nghiệp.

Để thoái vốn thành công, doanh nghiệp cần tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp, có kinh nghiệm và nguồn lực để phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thu hút và thuyết phục nhà đầu tư không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc hoạt động trong lĩnh vực không hấp dẫn.

Đó là chưa kể đến quá trình thoái vốn có thể ảnh hưởng đến nhân viên của doanh nghiệp, đặc biệt là trong trường hợp cần cắt giảm nhân sự. Điều này có thể gây ra tâm lý không an tâm và không chắc chắn cho nhân viên, tạo rối loạn và khó khăn trong quá trình chuyển giao.

“Quá trình tái cơ cấu DNNN có thể đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhưng khó khăn là để đối mặt chứ không phải lùi bước. Cần nhìn vào mục tiêu chiến lược, lối đi trọng tâm, giải pháp dứt điểm đầy quyết tâm của Chính phủ thông qua đề án cơ cấu lại DNNN.

Muốn thực hiện thành công đề án cần có sự hỗ trợ từ các chính sách và quy định pháp lý, tình hình tài chính của doanh nghiệp, khả năng quản lý và tiềm năng phát triển, sự ủng hộ từ các cơ quan quản lý”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm