Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Dịch bệnh chính là cơ hội để các SME thanh lọc thị trường, tái cơ cấu doanh nghiệp
Doanh nghiệp nào được vay gói 300.000 tỷ đồng? / Doanh nghiệp xuất khẩu gạo được gỡ khó
Theo Forbes Việt Nam chỉ trong 3 tháng diễn ra dịch bệnh Covid-19, riêng Việt Nam đã ghi nhận 12.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên đến 18.600 doanh nghiệp tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. VCCI cũng đưa ra thống kê có đến 60% doanh nghiệp SME đang gặp khó khăn về vốn và dòng tiền.
Hiện nay, đang có hàng nghìn doanh nghiệp đang trong trạng thái tiến thoái lưỡng nan tìm hướng đi cho mình để có thể tồn tại được ở trong đại dịch Covid-19. Nhằm chia sẻ các khó khăn cho các doanh nghiệp SME, mới đây ngày 22/4 đã diễn ra buổi tọa đàm “ Chiến lược và hướng đi cho doanh nghiệp SME thời Covid” có sự tham gia của 2 chuyên gia nổi tiếng là Shark Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch HĐQT Intracom và Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập. Hai diễn giả đã đưa ra những nhận định đánh giá khách quan về tình hình kinh tế và tư vấn những chiến lược cũng như định hướng phát triển cho doanh nghiệp trong thời dịch.
Shark Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch HĐQT Intracomđã có những chia sẻ rất tâm huyết về các vấn đề khó khăn mà các doanh nghiệp SME đang gặp phải cũng như đưa ra những định hướng, chiến lược phù hợp cho các doanh nghiệp giai đoạn này.
Theo ông Nguyễn Thanh Việt, ở giai đoạn này các ngành nghề cần phải có sự thay đổi linh hoạt và sáng tạo với tình hình thực tế. Khi khách hàng thay đổi hành vi tiêu dùng thì doanh nghiệp cũng cần thay đổi hành vi bán hàng của mình.
Về việc Chính phủ đang tung ra các gói kích cầu Shark Việt cũng nhận định: Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… họ đều có gói kích cầu. Nhưng nếu sử dụng gói này không cẩn thận nó sẽ phản tác dụng. Sau khủng hoảng tài chính lại là khủng hoảng tài chính. Doanh nghiệp cần tích trữ lương thực để đi đường dài, vì đường dài mới biết ngựa hay.
Shark Việt – Chủ tịch HĐQT của Intracom.
Chủ tịch HĐQT Intracom cũng chia sẻ: Giai đoạn vừa qua có nhiều doanh nghiệp đề nghị được tư vấn và giúp đỡ. Nhưng những doanh nghiệp khó khăn này thường là thiếu kế hoạch. Nếu có kế hoạch thì tất cả đều là kế hoạch cho sự thất bại. Shark nhấn mạnh: Nếu các doanh nghiệp đã có kế hoạch kinh doanh thì phải điều chỉnh để thích ứng với thời cuộc. Cần luôn phải thăm dò thị trường để cải tổ và thay đổi. Trong những giai đoạn khó khăn này đáng làm 10 thì chúng ta chỉ làm 4-5 để giữ sức khỏe tìm hướng phát triển mới.
Shark Việt cũng có chia sẻ rất thẳng thắn về gói hỗ trợ của chính phủ dành cho doanh nghiệp. Theo ông: “Doanh nghiệp chúng ta phải tự tìm cách cứu mình. Đừng quá mong chờ vào gói cứu trợ của Chính phủ. Ai đã phải bất động thở bằng máy rồi thì rất khó có thể đứng dậy khỏe mạnh như cũ, hãy xem kinh doanh như một ván cờ, nếu tình thế quá bi quan thì xóa đi làm ván khác”
Ông cũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa: Hiện tại nhiều doanh nghiệp còn hoạt động riêng lẻ chưa tập hợp thành những hiệp hội theo ngành hàng để có tầm ảnh hưởng đưa ra những đề xuất với Chính phủ xin cơ chế, chính sách kiến nghị một cách rõ nét. Vì vậy, các doanh nghiệp SME nên tập hợp nhau lại và đoàn kết hơn giai đoạn này để có thể có được những hỗ trợ tốt nhất từ Chính phủ.
Cũng trong buổi tọa đàm này ông Trần Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cũng đã có những chia sẻ rất sâu sắc về những kế hoạch cũng như chiến lược cụ thể cho các doanh nghiệp SME trong mùa dịch.
Trước khi chia sẻ về những kế hoạch cũng như chiến lược cho doanh nghiệp ông Hiếu đã đưa qua những ý kiến mang tính quan điểm cá nhân ở tầm vĩ mô để có thể giúp các doanh nghiệp SMEs vượt qua được khó khăn giai đoạn này.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ cần phải có gói kích cầu khoảng 150.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp SME và được vay qua ngân hàng hoặc qua các gói hỗ trợ tín dụng. Đảm bảo đây là gói hỗ trợ bằng "tiền tươi thóc thật" đến tận tay các doanh nghiệp SME qua chuyển khoản hoặc tiền mặt giống như cách mà Mỹ đang hỗ trợ người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập.
Bên cạnh đó các ngân hàng cũng cần có những quy định chặt chẽ các tiêu chí nào để doanh nghiệp đủ điều kiện nhận được hỗ trợ? Phải là một tiêu chí chung cho tất cả các doanh nghiệp chứ không phải một đối tượng doanh nghiệp nhất định.
Việc giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất… cần có xác nhận của ngân hàng nhà nước với quốc dân chứ không phải để tất cả doanh nghiệp nhảy vào mà không có kế hoạch cụ thể thì chẳng khác gì “có tiếng mà không có miếng”. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của quỹ bảo lãnh tín dụng cũng như việc các doanh nghiệp cần chủ động hơn để đối phó với khủng hoảng.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp SMEs trong dịch Covid-19. Theo đó đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp có thể loại một số đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường. Cơ hội để chiếm lĩnh thị phần, để các doanh nghiệp tận dụng những chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Có thể tái cơ cấu doanh nghiệp và tăng tính cạnh tranh.
Bên cạnh đó doanh nghiệp SME cũng đang phải gặp một loạt các thách thức như: Thị trường đầu vào bị giới hạn. Chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn. Những nước giàu cũng đang đi vào khủng hoảng và nó tác động lên không chỉ xuất khẩu nước ngoài mà thị trường nội địa mức cầu cũng đang giảm xuống thấp nhất. Doanh nghiệp SME đang bị thiếu hụt về tài chính trong giai đoạn mà "tiền mặt là vua" thì là một điều rất nguy hiểm.
Nói về những chiến lược dành cho các doanh nghiệp SME trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp cần xác định được mục tiêu ngắn hạn của mình. Phải đặt ra và trả lời những câu hỏi như sau: Doanh nghiệp có nên duy trì sự tồn tại hay không? Có nên phát triển thị phần hay không? Có nên tạo lợi nhuận không? Có nên giữ lao động không? Giai đoạn này nhiều doanh nghiệp lấy việc duy trì lao động làm mục tiêu, họ cố gắng dùng toàn bộ số tiền của mình để giữ lại và không sa thải nhân viên. Vậy câu hỏi đặt ra sẽ là nên giữ người hay giữ tiền?...
Tiếp theo là phải xác định được mục tiêu hậu đại dịch. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết, phương án dự báo kinh tế năm 2020 đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,8% theo ông là vô phương không thể đạt được. Theo đó trong trường hợp tốt nhất thì tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 4% thậm chí có thể là xấu hơn.
Ông Hiếu cũng khuyên các chủ doanh nghiệp nên dành thời gian nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh. Phân tích về thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp mình ở thời điểm hiện tại cũng như cần phải có kế hoạch kinh doanh chi tiết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo