Chính sách

Để ngành công nghiệp ô tô thành công

DNVN - Theo giới chuyên gia, ngành công nghiệp ô tô được coi là biểu tượng của chất lượng sản xuất công nghiệp quốc gia. Trên thực tế, Việt Nam có chính sách coi trọng phát triển ngành công nghiệp ô tô từ những năm 1990, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thành công.

Động lực phát triển kinh tế 2023: Yếu tố quan trọng vẫn là giải quyết “nút thắt” thể chế / Chính phủ tổng lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Câu hỏi không dễ trả lời
Tại hội thảo "Phát triển công nghiệp ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức sáng 28/12 tại Hà Nội, TS Võ Trí Thành- chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành ô tô thể hiện chất lượng cuộc sống, thậm chí được coi là biểu tượng của sự thành đạt, biểu tượng của chất lượng sản xuất công nghiệp quốc gia. Những năm gần đây, ô tô còn là biểu tượng của sự bắt nhịp với các xu thế mới.
Tuy nhiên, số quốc gia được coi là thực sự có ngành ô tô lại rất ít, bởi ngành này có nhiều thách thức ngay cả với các nước phát triển. Từ những năm 1990, Việt Nam rất coi trọng phát triển ngành công nghiệp ô tô. Cho đến gần đây, chính sách phát triển ngành này về cơ bản vẫn dựa vào thu hút đầu tư nước ngoài, thay thế nhập khẩu, cố gắng tăng cường tỷ lệ nội địa hóa... Tuy vậy, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa thành công.
Chuyên gia Võ Trí Thành trăn trở với câu hỏi "liệu Việt Nam có phát triển được ngành công nghiệp ô tô hay không".

"Cá nhân tôi luôn tự hỏi liệu Việt Nam có phát triển được ngành công nghiệp ô tô hay không? Liệu Việt Nam có thành công khi vừa thiếu nền tảng truyền thống vừa phải bắt nhịp với xu hướng mới về sản xuất và công nghệ? Câu hỏi liệu ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thành công hay không thực sự không dễ trả lời. Hiện, việc phát triển ngành công nghiệp ô tô không chỉ đơn thuần là ô tô và bây giờ xu hướng phát triển mạnh mẽ. Theo đó, phát triển những vật thể di động như máy bay không người lái, máy bay, tàu để đáp ứng đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, quốc phòng...", TS Võ Trí Thành chia sẻ.
3 công ty tư nhân đang có thương hiệu gồm Vinfast, THACO, Thành Công đã đi 3 con đường khác nhau. THACO phát triển theo kiểu truyền thống, từ từ. Thành Công phát triển theo hướng liên doanh. Vinfast có tiềm lực tài chính, tận dụng chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 để sản xuất xe thông minh hơn, xanh hơn.
Điều này đặt ra vấn đề chính sách hỗ trợ như thế nào? Chính sách hỗ trợ cần phù hợp với cam kết, đảm bảo thị trường cạnh tranh vốn được coi là nguyên tắc tối thượng.
"Rõ ràng với bài học chưa thành công, cách làm mang tính thị trường của các tập đoàn tư nhân Việt Nam thì câu hỏi "Việt Nam có phát triển thành công ngành công nghiệp ô tô không?" còn rất bỏ ngỏ. Với tất cả những gì cảm nhận từ đầu thập niên 1990 đến nay, câu trả lời của tôi là 50 - 50. Nhưng dù 50 - 50 thì tôi cho rằng Việt Nam vẫn nên "chơi" trong cuộc chơi này", chuyên gia Võ Trí Thành nói.
Cần hỗ trợ công nghiệp phụ kiện
TS Fusanori Iwasakin, nghiên cứu viên của ERIA cho biết, theo báo cáo về phát triển ngành ô tô tại Việt Nam do ERIA phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam thực hiện, quy mô thị trường trong nước đạt 1 triệu xe hàng năm vào đầu những năm 2030 vì kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng theo kế hoạch của Chính phủ. Dù vậy, quy mô sản xuất ở Việt Nam chưa cao so với quy mô thị trường cũng như công suất của ngành. Làm thế nào để thúc đẩy ngành ô tô Việt Nam phát triển là vấn đề quan trọng đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách cũng như doanh nghiệp.
Nói đến tương lai của ngành ô tô phải nói đến quá trình điện khí hóa để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành. Quá trình chuyển đổi số cũng là cơ hội mới và là yếu tố quan trọng để phát triển tương lai hứa hẹn cho ngành ô tô. Từ đó làm tăng mức độ cạnh tranh của các nhà cung cấp linh kiện, phụ kiện.
Về công nghệ, từ thập niên 1970, chúng ta đã chứng kiến xu hướng phát triển ngành ô tô hướng tới bảo vệ môi trường nhiều hơn, áp dụng tiêu chuẩn khí thải nhiều hơn. Việt Nam cần phải cân nhắc điều chỉnh để đáp ứng các công nghệ mới.
TS Fusanori Iwasakin đưa ra nhiều khuyến nghị để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Theo kinh nghiệm của các nền kinh tế lớn, ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là những ngành sản xuất phụ kiện cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà sản xuất xe hơi, phát triển các DN sản xuất phụ kiện ô tô. Để nâng cao quy mô kinh tế tốt hơn, đặc biệt là sản xuất phụ kiện ô tô, Việt Nam cần phải phát triển thị trường trong nước tốt hơn nữa.
Việc hỗ trợ công nghiệp phụ kiện là công cụ quan trọng và đây là chính sách quan trọng để Việt Nam thúc đẩy quá trình sản xuất ô tô. Ngoài ra, việc đào tạo nhân lực đóng vai trò quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Việt Nam cần lực lượng lao động có tay nghề, kỹ năng số hóa để nắm bắt các cơ hội mới. Với nguồn nhân lực trẻ, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so sánh tương đối tốt về nhân lực.
Đặc biệt, Việt Nam cũng cần cải thiện cơ sở hạ tầng để phát triển ngành ô tô. Theo đó cần phát triển hơn nữa hạ tầng để sản xuất các loại ô tô mới như hạ tầng sạc, đô thị thông minh, điện khí hóa để đáp ứng yêu cầu trong kỉ nguyên mới.
Thêm vào đó, Việt Nam cần sử dụng hiệu quả các chương trình ưu đãi về thuế. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa về ứng dụng CNTT, AI, IOT, dữ liệu lớn vào trong sản xuất linh kiện trong nước. Củng cố các ngành lắp ráp sản xuất xe hơi trong nước để hỗ trợ DN và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số. Việc xây dựng tầm nhìn ngành công nghiệp ô tô trong tương lai đòi hỏi Việt Nam thực hiện chính sách nhất quán và toàn diện. Có mô hình mang tính trọng điểm hơn nữa, đồng thời đưa ra biện pháp khuyến khích hiệu quả đối với các nhà sản xuất trong nước.

TS Yasushi Ueki gợi ý Việt Nam tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực.
Trong khi đó, TS Yasushi Ueki đến từ IDE - JETRO khuyến nghị Việt Nam cần nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Vào thập niên 1990, những quốc gia này đưa ra chính sách rất quan trọng, đó là tự do hóa phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy đưa ra hướng dẫn về chính sách sản xuất loại xe hơi cụ thể phù hợp với quốc gia, có mức giá và kích thước phù hợp. Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với các nhà sản xuất xe hơi.
Chuyên gia cũng lưu ý, để giải quyết đươc vấn đề chi phí linh kiện cao so với các nước ASEAN, Việt Nam cần nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động để có mức giá cạnh tranh, áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và thực hiện chính sách ưu đãi thuế, giảm chi phí logistics.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải tận dụng lợi thế từ các FTA đã ký kết để có thể trở thành trung tâm sản xuất linh kiện trong khu vực, qua đó nâng cao doanh số bán xe.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm