Chính sách

Phát triển thủy sản bền vững trên 3 trụ cột

DNVN - Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm 2022 và Triển khai kế hoạch năm 2023 của Tổng cục Thủy sản, chiều 27/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến kêu gọi toàn ngành thủy sản giữ vững 3 trụ cột là nuôi trồng, khai thác, bảo tồn.

Kết nối doanh nghiệp thủy sản tiếp cận nguồn công nghệ mới / Cần Thơ siết chặt quản lý buôn bán, sử dụng thuốc thú y thủy sản

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, năm 2022 là năm mà ngành thủy sản chịu rất nhiều cái áp lực. Tuy nhiên, bằng suy nghĩ, cách làm chủ động, sáng tạo, toàn ngành đã giảm được áp lực của thách thức, biến nguy thành cơ.

Đó là việc đa dạng hóa đối tượng mục tiêu. Ví dụ về mặt hàng rong biển, đây là ngành hàng nhiều tiềm năng, có thể chế biến thành nhiều sản phẩm giàu dinh dưỡng, thậm chí làm mỹ phẩm. Khoảng 90% rong biển được Việt Nam nhập khẩu hàng năm, trong đó khoảng 1 triệu tấn từ Indonesia.

Tuy nhiên, nhờ định hướng "tăng nuôi trồng, giảm cường lực khai thác", ngành thủy sản đã làm chủ được công nghệ sản xuất rong biển, và nhân rộng những mô hình hay tại nhiều tỉnh, thành phố.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kêu gọi toàn ngành thủy sản giữ vững 3 trụ cột là nuôi trồng, khai thác, bảo tồn.

Cũng trong định hướng tăng cường nuôi trồng, ngành thủy sản đã tập trung thí điểm, khai thác, sử dụng các lòng hồ. Với diện tích mặt nước lớn, trải rộng khắp tại nhiều khu vực trên cả nước, lòng hồ giúp cuộc sống của nhiều hộ dân được bảo đảm, nâng cao sinh kế, đồng thời góp phần giảm việc khai thác ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

"Thủy sản giờ không còn chỉ là tôm, cá tra và khai thác hải sản, chúng ta đã có nhiều biện pháp, kế hoạch nuôi trồng nhuyễn thể hai mảnh vỏ, các sản phẩm thường được coi là thị trường ngách. Nhờ vậy, sản lượng nuôi trồng đã đạt 5,19 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2021.

Những đóng góp này có ý nghĩa quan trọng trong tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp. Đây cũng là nỗ lực của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng ngành hàng, trong đó có các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản", ông Tiến nói.

Cũng tại hội nghị, ông Tiến nhấn mạnh năm 2022, ngành thủy sản đã xây dựng được không gian phát triển, với nền tảng là Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ không gian này, ngành thủy sản đã xây dựng được bộ khung giải pháp, dự báo được cơ hội và nhìn thẳng vào khó khăn, thách thức.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá cao hoạt động xúc tiến, nhất là công tác mở rộng thị trường sản phẩm thủy sản. Hầu hết doanh nghiệp đối tác, người tiêu dùng tại Mỹ, EU, Nhật Bản... đều đón nhận sản phẩm Việt Nam, dù nhiều chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm trên thế giới bị đứt gãy.

Giá trị xuất khẩu đạt gần 11 tỷ USD, mức kỷ lục trong lịch sử ngành thủy sản sẽ là nền tảng để Bộ NN-PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy sản trong công tác điều hành đầu năm 2023, thời điểm được dự báo kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

Làm rõ hơn quan điểm này, lãnh đạo ngành nông nghiệp cho biết, do lạm phát, chi phí đẩy, và khủng hoảng năng lượng tại nhiều quốc gia, thủy sản Việt Nam đã tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu ngay từ đầu năm 2022. Nhờ vậy, dù số lượng đơn hàng trong giai đoạn nửa cuối năm trồi sụt, ngành thủy sản vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Trên cơ sở Quyết định 339/QĐ-TTg năm 2021 về phát triển thủy sản bền vững, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kêu gọi toàn ngành thủy sản giữ vững 3 trụ cột là nuôi trồng, khai thác, bảo tồn.

Đồng thời, năm 2023, ngành thủy sản cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông đến với cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp và các thành phần liên quan để cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình.

Bên cạnh đó, ngành cần coi thẻ vàng cảnh báo khai thác bất hợp pháp (IUU) là một cơ hội để thay đổi tư duy, và phát triển bền vững hơn.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm