Chính sách

Đề xuất nghiên cứu các cơ chế đặc thù cho vùng Đồng bằng Sông Hồng

DNVN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nghiên cứu các cơ chế đặc thù cho vùng Đồng bằng sông Hồng để huy động hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, xây dựng vùng phát triển bền vững và thịnh vượng.

Hướng tới một Đồng bằng sông Hồng phát triển bền vững, liên kết và đổi mới sáng tạo / Tầm nhìn 2045, đồng bằng sông Hồng thành trung tâm kinh tế, tài chính lớn

Ngày 20/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng Sông Hồng (Hội đồng) đã chủ trì Hội nghị "Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng Sông Hồng lần thứ nhất".

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hội đồng được xác định không phải là một cấp hành chính, nhưng là mô hình tổ chức hiệu quả để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của vùng, góp phần giải quyết các vấn đề bất cập mà một địa phương trong vùng không thể giải quyết được.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng Sông Hồng chủ trì Hội nghị "Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng Sông Hồng lần thứ nhất".

Vùng Đồng bằng Sông Hồng được định hướng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao.

Đồng thời, trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.

Trong đó, Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Bộ KH&ĐT dự kiến phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng với 3 nhóm định hướng lớn: phát triển kết cấu hạ tầng vùng, trọng tâm về giao thông kết nối liên vùng, đường bộ cao tốc liên vùng và nội vùng; các tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 5 vùng Thủ đô; đường sắt tốc độ cao, hạ tầng cảng biển, cảng hàng không…

Nghiên cứu các cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng, nhất là hạ tầng giao thông, phân cấp cho các địa phương chủ động thực hiện các dự án liên vùng kết nối; nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng để đầu tư xây dựng các dự án liên vùng.

Tập trung đầu tư xây dựng phát triển hệ thống cảng biển trên địa bàn vùng gắn với xây dựng hệ thống kho bãi, logistics hiện đại.

Cụ thể, xây dựng khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại; thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế gắn với phát triển Khu thương mại tự do tại Hải Phòng; phát triển hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình gắn với các tuyến cao tốc, đường ven biển để hình thành các khu công nghiêp - đô thị hiện đại.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuấtnghiên cứu các cơ chế đặc thù cho vùng Đồng bằng sông Hồng để huy động hiệu quả mọi nguồn lực.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất liên kết các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển để hợp tác phát triển, từng bước hình thành cụm liên kết ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện, điện tử, thay vì cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau.

Tập trung giải quyết căn bản các vấn đề môi trường, nhất là rác thải, khí thải, ô nhiễm tại các dòng sông, tình trạng ngập úng ở Hà Nội, Hải Phòng và các đô thị lớn.

Quy hoạch và có cơ chế, chính sách để di chuyển, xây dựng mới các bệnh viện, trường đại học tại các địa phương lân cận để giảm tải áp lực đối với hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông tại Hà Nội.

Bộ trưởng nhấn mạnh: tập trung phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng trở thành trung tâm khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù cho vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang phối hợp với TP Hà Nội xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) trong đó có 80 chính sách mới, đột phá cho thành phố nhằm phát triển TP Hà Nội trở thành trung tâm đầu não, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và y tế của vùng.

Đối với vùng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề nghị nghiên cứu một số cơ chế, chính sách tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển, khu thương mại tự do gắn với hệ thống cảng biển; quản lý xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị thông minh; đẩy mạnh phát triển khoa học – công nghệ và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm