Doanh nghiệp cần phương án thích ứng, đón đầu xu hướng mới
Chủ quan, nhiều doanh nghiệp Việt Nam 'sập bẫy' lừa đảo thương mại quốc tế / Cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam ‘sập bẫy’ lừa đảo thương mại quốc tế
Trước thềm năm mới 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, nền kinh tế của chúng ta có quy mô còn khá khiêm tốn. Khả năng thích ứng, chống chịu trước những cú sốc đến từ bên ngoài còn hạn chế nhưng lại có độ mở lớn, dễ bị ảnh hưởng từ các biến động, dù là nhỏ của thế giới.
Do đó, việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta trong tình hình mới. Đây là một định hướng, chủ trương nhất quán, xuyên suốt, được xác định rõ trong các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước đề ra.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã khẩn trương ban hành các nghị quyết để tổ chức triển khai thực hiện.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, ông Dũng cho rằng, cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh và triển khai nhanh hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2024.
Tiếp tục quán triệt, triển khai quyết liệt, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
“Đối với các doanh nghiệp, cần nêu cao tinh thần đổi mới, tự lực, tự cường, phát huy hơn nữa tính chủ động thích ứng, tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất. Đồng thời, có các phương án thích ứng với những biến động trong tương lai. Đón đầu các xu hướng mới, nhất là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”, ông Dũng nhấn mạnh.
Hiện nay, Việt Nam có gần 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên chủ yếu có quy mô nhỏ bé, với gần 98% là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Thời gian qua, các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh COVID-19, lại tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức do tác động của các bất ổn kinh tế, địa, chính trị thế giới.
Do đó, với sức khoẻ còn yếu thì các doanh nghiệp khó có thể hấp thụ được nguồn vốn. Để trợ lực cho doanh nghiệp thì cần giải quyết vấn đề căn cơ, nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý vấn đề hiện tượng.
Theo ông Dũng, các nhóm giải pháp có tính chiến lược hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian tới bao gồm nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Xác định rõ việc cải cách thể chế, tháo gỡ ngay các rào cản pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là giải pháp đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Trong đó, cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần như quy định về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra chuyên ngành. Tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết không ban hành thêm các điều kiện không cần thiết.
Khẩn trương cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện cơ chế bảo vệ cho cán bộ công chức thi hành công vụ, dám đột phá, không vụ lợi. Đây là điểm nghẽn quan trọng cần tiếp được tháo gỡ nhanh chóng.
Một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế và các điều chỉnh chính sách của các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản. Kịp thời phổ biến thông tin, đưa ra cảnh báo sớm cho ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.
Thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Nghiên cứu áp dụng mô hình hợp tác công tư, hình thành văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.
Tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng các cam kết tại các FTA đã ký kết, đẩy nhanh việc ký kết các FTA đang đàm phán và nghiên cứu các thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu. Cảnh báo và cập nhật những thông tin mới nhất về các biện pháp phòng vệ thương mại, các tiêu chuẩn, kỹ thuật mới của các đối tác xuất khẩu. Thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, nhất là thông qua các nền tảng số và thương mại điện tử.
“Cần đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tập trung vào các ngành: sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen). Hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”, ông Dũng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo