Ngân hàng tung gói lãi suất thấp hỗ trợ doanh nghiệp đầu năm
Xăng dầu tăng giá mạnh / Giảm thiểu rủi ro kinh doanh trên mạng xã hội dịp Tết Nguyên đán
Đại diện Agribank ngày 1/2 cho biết: Agribank dành gần 60.000 tỷ đồng vốn ưu đãi triển khai 5 chương trình tín dụng lãi suất thấp dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
Cụ thể: Từ ngày 1/2 đến hết 31/12, Agribank dành 2.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng cá nhân đầu tư, sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP (chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị) với lãi suất thấp hơn tối đa 2%/năm so với sàn lãi suất cho vay của Agribank. Chương trình áp dụng đối với khách hàng cá nhân vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP, bao gồm: Sản phẩm thực phẩm, đồ uống, sản phẩm từ dược liệu, thủ công mỹ nghệ.
Đối với vay tiêu dùng, từ ngày 1/2đến hết ngày 30/6, Agribank dành 10.000 tỷ đồng dành cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với khách hàng cá nhân với lãi suất thấp hơn tối đa 2,5%/năm so với sàn lãi suất cho vay của Agribank.
“Chương trình áp dụng đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng để phục vụ nhu cầu đời sống, bao gồm: Mua nhà ở, đất ở, xây mới/cải tạo, sửa chữa nhà để ở, mua sắm đồ dùng sinh hoạt thiết yếu (ti vi, máy giặt, tủ lạnh, điều hoà…); phương tiện đi lại (ô tô, xe máy) và các mục đích tiêu dùng khác theo quy định của Agribank”, đại diện Agribank cho biết.
Ngoài ra, Agribank dành 20.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay ngắn hạn đối với khách hàng cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp hơn sàn lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 2,0% /năm, thời gian áp dụng từ nay tới hết ngày 30/6.
Theo ngân hàng này, năm 2024, Agribank dành 10.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) với lãi suất thấp hơn tối đa 1,5%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường.
Đại diện Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) cho biết:Giai đoạn các tháng đầu năm, trước và sau Tết Nguyên đán thường là mùa kinh doanh cao điểm đối với nhiều lĩnh vực như: bán lẻ hàng tiêu dùng, dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa, dịch vụ du lịch, nội thất và trang trí nhà cửa, quà tặng… Do đó, nhu cầu giao dịch tài chính đặc biệt tăng cao.
Nắm bắt được nhu cầu đó, MSB đẩy mạnh các chương trình ưu đãi và thiết kế gói giải pháp giúp chủ kinh doanh thuận tiện hơn trong giao dịch, giảm thiểu căng thẳng trong việc quản lý mà vẫn kinh doanh hiệu quả.
Cụ thể, từ nay đến ngày 31/3, chủ cửa hàng/chủ kinh doanh mở mới tài khoản tại MSB (hoặc mở từ 1/1) sẽ được tham gia chương trình Quét QR, nhận tới 900.000 đồng. Mở tài khoản thanh toán tại MSB và đặt QRCode để nhận thanh toán tại cửa hàng, chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh được tặng tiền vào tài khoản cho mỗi giao dịch thanh toán qua QRCode từ 50.000 đồng trở lên. Chương trình áp dụng cho tối đa 10 giao dịch mỗi ngày và tối đa 100 giao dịch mỗi tháng của cửa hàng/địa điểm thanh toán.
Bên cạnh đó, khách hàng còn được hoàn tiền tới 3,6 triệu đồng/năm trên tài khoản M-Pro, trong đó: Hoàn tiền 5% tới 100.000 đồng/tháng cho thanh toán tự động hóa đơn điện, nước, điện thoại, Internet qua ngân hàng điện tử MSB; noàn tiền 1% tới 200.000 đồng/tháng cho các chi tiêu qua thẻ Ghi nợ MSB Visa (Visa Debit).
Đặc biệt, chủ kinh doanh còn được hỗ trợ các gói vay tại MSB với hạn mức thế chấp lên tới 20 tỷ đồng, lãi suất cố định toàn thời gian vay 7.2%/năm cùng thời hạn vay lên đến 35 năm. Ngoài ra, nhóm khách hàng này cũng được hỗ trợ vay trả nợ ngân hàng khác, hưởng lãi suất từ 0%...
Với các ưu đãi hấp dẫn cùng lãi suất cạnh tranh, hồ sơ gọn nhẹ và thời gian xử lý nhanh chóng, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) giúp doanh nghiệp sản xuất tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trong năm mới...
Hiện, NCB triển khai nhiều chính sách hấp dẫn dành riêng cho các doanh nghiệp sản xuất với lãi suất cạnh tranh, ưu đãi về tài sản bảo đảm, hồ sơ gọn nhẹ và thời gian xử lý nhanh chóng. Theo đó, khách hàng doanh nghiệp của NCB sẽ được vay để sản xuất kinh doanh với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%, thời gian cho vay và hình thức cấp tín dụng linh hoạt, phù hợp với mục đích vay. NCB cũng cấp hạn mức thấu chi lên đến 2 tỷ đồng, cho phép doanh nghiệp ứng vốn ngay từ tài khoản của đơn vị để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh mà không cần thực hiện đề nghị giải ngân.
“Nằm hỗ trợ tối đa nguồn vốn lưu động cho doanh nghiệp, đảm bảo mạch sản xuất, kinh doanh thông suốt, nhịp nhàng, NCB còn cho khách hàng vay với tỷ lệ lên đến 95% giá trị tài sản bảo đảm. Bài toán chi phí hoạt động cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cũng được ngân hàng này đưa ra lời giải tối ưu với hạn mức cho vay không tài sản đảm bảo phục vụ thanh toán lương lên đến 1 tỷ đồng”, đại diện NCB cho biết.
Trong tháng 1/2024, lãi suất huy động tiếp tục giảm mạnh, tạo đà để lãi suất cho vay có cơ hội điều chỉnh hỗ trợ doanh nghiệp. Đến nay, các ngân hàng như: GPBank, Eximbank, SHB, BacA Bank, Kienlong Bank, LPBank, OCB, VIB, TPBank, ABBank, NCB.PVCombank, HDBank, VietBank, Techcombank… đồng loạt giảm lãi suất. Đáng chú ý, NCB, VietA Bank, GPBank, OCB, KienlongBank, SHB, VIB đã có lần thứ 2 giảm lãi suất kể từ đầu tháng 1/2024.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không còn nhiều dư địa để giảm thêm lãi suất tiền gửi trong bối cảnh nhu cầu tín dụng phục hồi dẫn đến nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng và chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng và chỉ số giá tiêu dùng(CPI) đã thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, lãi suất huy động của ngành ngân hàng sẽ duy trì ở mức đáy trong suốt năm 2024 do NHNN đặt mục tiêu duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Dự báo, NHNN sẽ xem xét cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% trong quý II/2024, đưa lãi suất tái cấp vốn về 4%/năm và lãi suất chiết khấu về 2,5%/năm. Do đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân được kỳ vọng duy trì ở vùng thấp 4,5 - 5%/năm trong năm 2024;đồng thời, kỳ vọng lãi suất cho vay bình quân sẽ giảm thêm 0,5 - 1%/năm trong năm 2024 nhờ chi phí huy động vốn của các ngân hàng thấp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo