Chính sách

Đối ngoại và ngoại giao kinh tế năm 2023: Sôi động, nhiều dấu ấn

DNVN - Năm 2023 đánh dấu sự mở cửa toàn diện sau đại dịch, nhu cầu giao lưu, hợp tác quốc tế của Việt Nam và thế giới phục hồi nhanh chóng. Vai trò tiên phong của đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng đối với phát triển đất nước tiếp tục được khẳng định cùng các hoạt động sôi động, nhiều dấu ấn.

Tích cực quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương phát triển kinh tế, xã hội / Bứt phá khỏi cách làm cũ, phát triển theo hướng kinh tế tri thức trong liên kết vùng

Sôi động và nhiều dấu ấn

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, năm 2023 là một năm sôi động về đối ngoại với nhiều dấu ấn nổi bật. Trong đó, quan hệ đối ngoại trên bình diện song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn. Quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới với những bước phát triển mới về chất, nổi bật là quan hệ với các nước láng giềng, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và nhiều đối tác khác.

Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, COP 28, BRI…

Trong năm qua, Việt Nam đã tổ chức tốt 15 chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt và 21 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam. Qua đó, khẳng định tầm vóc và vị thế mới của Việt Nam trên thế giới.


Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: VGP)

Việt Nam tiếp tục huy vai trò tại các tổ chức quốc tế quan trọng cũng như đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới như chống biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ…

Ở góc độ địa phương, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội cho biết, với sự sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và trên tinh thần chủ động, thích ứng, sáng tạo, công tác đối ngoại của Hà Nội đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt kết quả quan trọng.

Đối ngoại của Thủ đô tiếp tục là điểm sáng trong thành tựu chung của cả nước, nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô và được Trung ương đánh giá cao, ghi nhận.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu

Năm 2023, trong thành tựu chung của đối ngoại có sự đóng góp rất quan trọng của đối ngoại kinh tế.

Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao, hoạt động ngoại giao kinh tế trong năm 2023 tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở quán triệt tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư: “lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ”.

Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thu hút FDI tăng 14,8%, tiếp cận nhiều nguồn vốn mới có chất lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, các ngoại giao kinh tế được triển khai rộng khắp trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, gắn kết chặt chẽ với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và các lĩnh vực khác của ngoại giao.

Trong đó, hợp tác kinh tế luôn là nội dung trọng tâm trong nội hàm của các mối quan hệ, nhất là quan hệ với các đối tác quan trọng.

Năm 2023, Việt Nam đã tổ chức tiếp đón thành công chuyến thăm chính thức của nhiều nguyên thủ quốc gia. (Ảnh VGP).

Việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với các nước trong năm qua đã tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, mở ra nhiều cơ hội cho địa phương và doanh nghiệp Việt Nam. Hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các liên kết kinh tế quốc tế đã chủ động, tích cực và hiệu quả hơn.

Bên cạnh thực hiện hiệu quả các FTA đã ký, năm 2023, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Israel và đang tích cực đàm phán FTA với các đối tác khác. Ký trên 70 văn kiện hợp tác của các bộ, ngành cùng gần 100 thỏa thuận hợp tác của các địa phương và hàng trăm thỏa thuận của các doanh nghiệp...

Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu tăng 6-7%, thu hút đầu tư FDI trên 28 tỷ USD …

Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết, hoạt động ngoại giao kinh tế trong năm 2023 ghi nhận những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.

Một số chương trình xúc tiến nhân chuyến thăm của lãnh đạo thành phố tại các nước đã đem lại hiệu quả rõ rệt như chương trình xúc tiến tại Pháp, Lào, Trung Quốc, Australia, Nhật Bản và tại các diễn đàn, sự kiện trong nước…

“Có được kết quả như vậy không thể không nhắc đến vai trò của các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của Hà Nội. Bên cạnh việc ưu tiên các địa bàn trọng điểm, có tính chiến lược, các hoạt động xúc tiến đầu tư trong năm 2023 đã kết hợp chặt chẽ với hoạt động đối ngọai của lãnh đạo thành phố, các sự kiện đối ngoại lớn, quan trọng của Thủ đô. Từ đó nâng cao ý nghĩa, hiệu quả của cả hai trụ cột đối ngoại kinh tế và đối ngoại chính trị”, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội nhìn nhận.

Kiến tạo không gian phát triển mới

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, bước vào năm 2024, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro, bên cạnh cơ hội, thuận lợi, cũng có những thách thức và tác động không thuận lợi.

"Do đó, ngành ngoại giao cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tư duy về đối ngoại. Phát huy hiệu quả các khuổn khổ quan hệ vừa được nâng tầm trong năm vừa qua. Đồng thời tiếp tục làm sâu sắc hơn và nâng tầm quan hệ với các đối tác khác nhằm mở rộng thị trường, thu hút đầu tư chất lượng cao, chuyển giao công nghệ mới, kiến tạo không gian phát triển mới cho đất nước, địa phương, doanh nghiệp và người dân…", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Với hoạt động ngoại kinh tế, người đứng đầu Bộ Ngoại giao cho rằng, cần tiếp tục tranh thủ tốt thế và lực mới của đất nước, cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ vừa được nâng tầm thành các chương trình, dự án hợp tác kinh tế thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt là về mở rộng thị trường, tiếp cận các nguồn vốn mới cho phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, thu hút du lịch, xuất khẩu lao động có tay nghề...

Cùng các ngành, các địa phương chủ động, tích cực tháo gỡ các vướng mắc trong hợp tác kinh tế với các đối tác, nhất là các đối tác quan trọng. Nâng cao hiệu quả hỗ trợ các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên tinh thần "lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ".

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp triển khai công tác ngoại giao kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu hàng hóa, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế, từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý về hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm đồng bộ, khả thi và phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo tại Phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế ngày 21/12/2023.

Tăng cường hơn nữa việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược. Đặc biệt là những vấn đề nổi lên có thể tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế đất nước, từ đó tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các phản ứng chính sách phù hợp.

Để nâng cao hoạt động xúc tiến thương mại của Hà Nội trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Sở Ngọai vụ Hà Nội đề xuất: tiếp tục xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của đối ngọai kinh tế nói chung và xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nói riêng trong thu hút nguồn lực bên ngoài vào thủ đô.

Tiếp tục tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch theo hướng ưu tiên lựa chọn những ngành, lĩnh vực mà thành phố tập trung thu hút đầu tư. Ưu tiên phát triển các địa bàn, đối tác chiến lược, chú trọng hợp tác đầu tư với các tập đoàn lớn, các DN của các nước phát triển, đa dạng hoá các hình thức xúc tiến, tránh dàn trải.

Gắn kết và mở rộng các hình thức ngoại giao mới đang được các bộ ngành triển khai như ngọai giao kinh tế số, ngoại giao công nghệ và ngoại giao khí hậu…

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm