Chính sách

Bứt phá khỏi cách làm cũ, phát triển theo hướng kinh tế tri thức trong liên kết vùng

DNVN - Một trong những tồn tại, thách thức trong bài toán liên kết vùng hiện nay là doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức về kinh tế (những chủ thể quan trọng trong liên kết vùng) chưa phát huy được vai trò của mình...

Tận dụng sức mạnh chính sách đặc thù để phát triển TP Hồ Chí Minh là điểm đến hấp dẫn toàn cầu / Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU và các tác động đến ngành thép Việt Nam

Nhiều khó khăn, thách thức
Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du - miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng.
Tại diễn đàn "Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương" ngày 3/8 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định, liên kết vùng vững chắc sẽ là động lực phát huy thế mạnh của các địa phương, là triển vọng cho tăng trưởng kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đương đầu với những thách thức trong tương lai.
Dù vậy, trên thực tế, liên kết vùng vẫn đối mặt nhiều khó khăn và thách thức. Các vùng trên cả nước nói chung đều thiếu cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Hoạt động hợp tác của các địa phương trong vùng chưa đa dạng, chủ yếu là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ.
Liên kết kinh tế vùng cũng chưa được mở đường, dẫn dắt mạnh, trong khi chủ thể liên kết quan trọng là doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) và các tổ chức về kinh tế chưa phát huy được vai trò của mình.
"Đặc biệt, chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các DN, HTX hình thành cụm liên kết ngành. Các nội dung liên kết vùng quan trọng như liên kết đầu tư phát triển, liên kết trong việc đào tạo và sử dụng lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng, liên vùng... chưa được triển khai một cách đầy đủ", ông Thịnh nhấn mạnh.
Liên kết chuỗi giá trị bị bỏ ngỏ
Nhấn mạnh vai trò của chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng là yếu tố quan trọng đặc biệt để bảo đảm cho liên kết vùng có hiệu quả. Tuy nhiên, đây lại là khâu chưa được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng hiện nay.
Cách phân vùng kinh tế - xã hội còn nhiều mặt hạn chế, chưa phát huy được lợi thế so sánh từng vùng theo chuỗi giá trị sản phẩm. Các chuỗi giá trị liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).
"Thực tế, các địa phương hiện nay đều đang tận dụng những lợi thế sẵn có của mình để phát triển kinh tế nhanh hơn. Kết quả là, mặc dù các tỉnh đã có chương trình ký kết hợp tác nhưng vẫn chưa khai thác hết các điều khoản đã ký kết", ông Anh Tuấn nêu.
Đề cập đến liên kết chuỗi giá trị nông sản, TS Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ NN&PTNT (Ban Kinh tế Trung ương) nhìn nhận, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt.
Tuy vậy, thách thức lớn hiện nay là việc liên kết kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp tuy có cải thiện nhưng vẫn còn khá lỏng lẻo, chuỗi giá trị kém hiệu quả và thiếu hành động tập thể.
Trong bối cảnh nền nông nghiệp đang được chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ, việc xây dựng và phát huy mô hình sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi và liên kết vùng là hướng đi đúng đắn. Trong đó, không thể thiếu vai trò của HTX, nông dân và DN trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Cần chính sách hỗ trợ trực tiếp
Vụ trưởng Vụ NN&PTNT đề xuất, để tăng tính liên kết kinh tế trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam, cần kết hợp quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên môn hóa với quy hoạch phát triển ngành hàng nhằm tập trung nguồn lực và chính sách cho những sản phẩm thế mạnh của vùng. Qua đó, sớm hình thành vùng kinh tế nông nghiệp phát triển và ngành hàng nông sản mạnh. Để làm được điều này, đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác thiết thực của các DN.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường pháp luật, đặc biệt là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước tạo điều kiện cho liên kết phát triển.

Các diễn giả đề xuất giải pháp để liên kết vùng hiệu quả.
Với các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, TS Vũ Mạnh Hùng cho rằng, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về hiệu quả của liên kết kinh tế. Từ đó, chủ động tìm kiếm, lựa chọn và thiết lập các mối liên kết phù hợp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như liên kết về thị trường, liên kết trong chuỗi giá trị của nông sản. Đặc biệt, cần chú trọng quan tâm, thu hút được các DN, HTX làm hạt nhân liên kết để xây dựng chuỗi giá trị nông sản.
Ông Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, cần phải bứt phá khỏi cách làm cũ và thực hiện liên kết vùng theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh và tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
"Khi bàn về tính liên kết, ông cha ta thường nói “ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, hoặc là “góp gió thành bão”, “hợp quần gây sức mạnh”, “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Tôi tin rằng, nếu có sự liên kết vùng một cách thực chất và hiệu quả hơn thì kinh tế của các địa phương sẽ phát triển lớn mạnh hơn và các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng phát huy được vai trò, tiềm năng của mình", ông Thịnh nói.
Ở góc độ địa phương, bà Lê Thị Tâm - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình kiến nghị, để các HTX phát triển chuỗi giá trị các cấp, các ngành, tổ chức cần tạo điều kiện để cho các HTX phát triển, thúc đẩy liên kết.
"Các HTX rất mong cơ quan quản lý có thêm các chính sách hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng để HTX nâng cao năng lực, xây dựng sản phẩm OCOP đưa ra thị trường, chứng minh được chất lượng và có thương hiệu riêng”, bà Tâm bày tỏ.
Tại diễn đàn, các diễn giả có chung kỳ vọng, trong bối cảnh hiện nay, các địa phương sẽ có sự dẫn dắt mạnh hơn trong liên kết vùng, trở thành điểm tựa cho DN, HTX đi vào guồng máy liên kết, cùng nhau “kéo” sức tăng trưởng kinh tế phục hồi tốt và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm