Chính sách

Dự thảo lần 2 Thông tư ghi nhãn dinh dưỡng với thực phẩm: Nhiều quy định vẫn thiếu tính khả thi

DNVN - Góp ý cho Dự thảo lần 2 Thông tư hướng dẫn ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm (Dự thảo) do Bộ Y tế soạn thảo, 5 hiệp hội doanh nghiệp (DN) đại diện cho các ngành hàng chế biến thực phẩm chủ lực của Việt Nam cho rằng vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với quy định quốc tế và thực tiễn sản xuất, kinh doanh của DN.

Bộ Tài chính: Hiện tại thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là phù hợp, chưa thể bỏ / Lấy ý kiến người dân về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để "chặn" lợi ích nhóm

5 hiệp hội DN, đại diện cho các ngành hàng chế biến thực phẩm chủ lực của Việt Nam gồm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Chè Việt Nam vừa có văn bản góp ý cho Dự thảo lần 2 Thông tư hướng dẫn ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm (Dự thảo) của Bộ Y tế.
Dù đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu một số ý kiến góp ý của các hiệp hội cho dự thảo lần 1, nhưng 5 hiệp hội cho rằng, Dự thảo vẫn còn một số nội dung bất cập lớn, chưa phù hợp với các quy định quốc tế và thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như ảnh hưởng tới đời sống nhân dân. Do đó, cần được xem xét và sửa đổi. Chẳng hạn, chỉ tiêu phải ghi nhãn quy định (theo Phương án 1 tại Điều 5 và Điều 6), giá trị dinh dưỡng tham chiếu và hướng dẫn ghi nhãn dinh dưỡng chưa phù hợp.
Cụ thể, về Khoản 2 Điều 1 của Dự thảo, các hiệp hội đề nghị bổ sung vào mục các đối tượng loại trừ tại Khoản 2 Điều 1 các thực phẩm sản xuất thủ công và thực phẩm có diện tích bao gói <25cm2: Các thực phẩm sản xuất thủ công có quy mô nhỏ theo hộ gia đình, quá trình sản xuất sử dụng sức lao động của con người là chủ yếu; Thực phẩm có diện tích bề mặt lớn nhất <25cm2 nếu có nhãn phụ hoặc bao bì ngoài đã thể hiện đầy đủ các nội dung ghi nhãn dinh dưỡng.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp ý về Dự thảo lần 2 Thông tư hướng dẫn ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm.

"Không khả thi để áp dụng quy định ghi nhãn dinh dưỡng cho thực phẩm sản xuất thủ công, nếu bắt buộc áp dụng sẽ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng lớn đến đời sống nông dân, ảnh hưởng đến chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Chính phủ", 5 hiệp hội nêu.
Với chỉ các thông tin ghi nhãn thông thường, Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã miễn ghi nhãn cho các diện tích dưới 10 cm2, nay nếu phải in thêm các thông tin ghi nhãn dinh dưỡng mà vẫn giữ nguyên mức 10 cm2 thì rõ ràng là các nhãn nhỏ sẽ không có đủ chỗ để ghi, nhất là khi theo Dự thảo, việc ghi nhãn phải theo mẫu yêu cầu và cỡ chữ phải >0,9mm.
Về Điều 5 và Điều 6 của Dự thảo, một trong những đề nghị của các hiệp hội tại mục này là bỏ quy định sau lộ trình 5 năm lại quay lại yêu cầu ghi nhãn 7 thành phần dinh dưỡng, áp dụng chung cho tất cả các loại thực phẩm của Phương án 1. Vì việc chỉ áp dụng phương pháp quản lý tiên tiến trong 5 năm, sau đó lại quay trở lại yêu cầu tất cả thực phẩm ghi nhãn 7 chất giống nhau là không phù hợp với quản lý rủi ro, và làm mất ổn định môi trường sản xuất-kinh doanh.
Về Phụ lục I của Dự thảo, các hiệp hội đề nghị điều chỉnh các giá trị NRV của Carbohydrat và chất béo để đạt mức 2000 kcal.
Các hiệp hội đánh giá cao việc Ban Soạn thảo đã tiếp thu ý kiến và điều chỉnh giá trị NRV của protein tại Dự thảo xuống 50g. Tuy nhiên, các giá trị NRV của Carbohydrat và chất béo chưa được điều chỉnh, dẫn đến tổng năng lượng chỉ là 1924 kcal, không đạt mức 2000 kcal theo khuyến cáo.
Về phụ lục II của Dự thảo, liên quan đến việc ghi giá trị dinh dưỡng, các hiệp hội kiến nghị có thể điều chỉnh hình dáng, kích thước của bảng hoặc không dùng bảng; điều chỉnh thứ tự các thành phần dinh dưỡng, cỡ chữ, kiểu chữ và màu sắc của chữ tùy theo thiết kế nhãn sản phẩm. Miễn là đảm bảo đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại điều 5 và điều 6 Thông tư này, và đảm bảo tuân thủ các quy định ghi nhãn hiện hành. Ngoài ra, có thể thêm các thông tin về các thành phần dinh dưỡng khác nếu có.
Các Hiệp hội rất mong được Bộ Y tế xem xét tiếp thu các ý kiến đóng góp cho Dự thảo để Thông tư có tính khả thi cao, hội nhập với quốc tế và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm