Sự vận hành của nền kinh tế thị trường đang bộc lộ những "nút thắt"
Kinh tế thị trường và câu trả lời của Thủ tướng / Kinh tế thị trường đầy đủ mới hội nhập thành công
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình quân đầu người (GNI/đầu người) của Việt Nam năm 2021 ước đạt 3.590 USD. Với mức thu nhập này, Việt Nam đang tiến sát đến ngưỡng khởi đầu của nhóm các nước thu nhập trung bình cao (theo phân loại của WB).
Tuy nhiên, kinh nghiệm thế giới cho thấy, đa số các quốc gia khi chạm đến ngưỡng này thì tốc độ tăng trưởng chậm dần, nhiều bất ổn kinh tế xuất hiện mang tính cơ cấu rất khó giải quyết dứt điểm, trong khi lại phải đối mặt với nhiều vấn đề về già hoá dân số, an sinh xã hội, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên… Hệ quả là chỉ rất ít các quốc gia vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Nỗ lực cải cách, phát triển nền kinh tế thị trường từ năm 1986 tới nay đã đưa Việt Nam từ quốc gia kém phát triển thành quốc gia có quy mô GDP nằm trong nhóm 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam xem xét, đánh giá thể chế kinh tế thị trường của mình nhằm chuẩn bị tốt cho giai đoạn thuộc nhóm thu nhập trung bình cao.
Để đáp ứng nhu cầu này, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Viện Fraser Institute (Canada) tổ chức buổi Toạ đàm Đối thoại chính sách “Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước thu nhập có trung bình cao trước năm 2030” nhằm phát hiện những nút thắt về thể chế kinh tế thị trường và đề xuất chính sách nhằm giúp Việt Nam tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng khi trở thành nước có thu nhập trung bình cao.
Phát biểu tại tọa đàm, GS,TS Phạm Hồng Chương- Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Sau hơn 30 năm đổi mới, cho đến nay, Việt Nam cơ bản đã là một nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã liên tục xây dựng và điều chỉnh hệ thống pháp luật của mình để phù hợp với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Một loạt các bộ luật đã được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh. Trong đó phải kể đến là Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư. Kể từ năm 2014, Chính phủ hàng năm đều ban hành nghị quyết 19, sau này đổi thành nghị quyết 02, để đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
“Những nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong suốt chặng đường vừa qua đã góp phần quan trọng vào việc đưa Việt Nam từ một nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 200 USD vào đầu những năm 1990 tăng lên 3590 USD vào năm 2021 (theo số liệu của Ngân hàng thế giới). Với mức thu nhập bình quân đầu người như hiện nay, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 nếu không vướng bẫy thu nhập trung bình thấp”, ông Chương nói.
Tuy nhiên, theo ông Chương, sự vận hành của nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay đang bộc lộ một số hạn chế. Nhà nước vẫn còn can thiệp nhiều vào cơ chế giá thị trường như giá xăng dầu, giá điện, giá vé máy bay, giá y tế.
Những can thiệp này đã bộc lộ nhiều bất cập trong thời gian vừa qua như thiếu hụt xăng dầu, hãng hàng không quốc gia và tập đoàn điện lực bị thua lỗ nặng nề, các bệnh viện công rơi vào tình trạng thu không đủ chi. Việc bảo vệ quyền sở hữu vẫn chưa được tốt.
Cụ thể, đất đai nhiều nơi vẫn bị thu hồi phục vụ mục đích kinh tế của các tập đoàn bất động sản; việc bảo vệ nhà đầu tư thiểu số trong doanh nghiệp vẫn chưa được chú trọng đúng mức; chưa xây dựng được khung thể chế bảo vệ các loại tài sản mới như tiền kỹ thuật số....
Nhiều loại thị trường hiện đại chưa được hình thành hoặc còn hạn chế sự tham gia của người dân, như các thị trường ngoại hối, thị trường vàng phái sinh, thị trường hàng hoá phái sinh.
“Khu vực Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn còn lớn, trong khi tiến độ cổ phần hoá các DNNN trong những năm vừa qua bị chững lại. Hệ thống các văn bản pháp luật vẫn còn chồng chéo, khiến cho việc kinh doanh luôn có nguy cơ vi phạm pháp luật. Bản thân các cán bộ nhà nước cũng gặp nguy cơ vi phạm pháp luật nếu hiểu sai các quy định, dẫn đến hiện tượng chậm trễ trong việc xử lý các thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình cao và với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, việc cần phải tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết”, ông Chương nhấn mạnh.
Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, trong số 101 quốc gia có mức thu nhập trung bình trong thập niên 1960 chỉ có 13 quốc gia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2008. Thực tiễn này cho thấy để biến ước vọng thành hiện thực, Việt Nam cần phải tiếp tục con đường đã chứng tỏ mang lại thành công trong hơn 30 năm qua, đó là phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.
Chia sẻ tại tọa đàm, TS Fred McMahon- Trưởng nhóm nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser Institute cho rằng, Việt Nam đang có lợi thế từ một quốc gia đang phát triển. Đó là dễ dàng hơn để bắt kịp các nền kinh tế hiện tại, sau đó thúc đẩy các cải tiến và cơ chế mới; chi phí thấp, tiền công thấp lôi kéo đầu tư.
Cùng với đó là lợi thế về đòn bẩy cho hạ tầng kinh tế, gia tăng năng suất và tăng trưởng; nâng cao thu nhập đầu người và tăng năng suất.
“Để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh khi trở nên giàu có hơn, chính sách kinh tế sẽ phải trở nên cạnh tranh hơn. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều quốc gia nghèo phát triển nhanh chóng và thực hiện một số cải cách kinh tế đã tạo tăng trưởng mạnh từ xuất phát điểm thấp. Nếu không tiếp tục cải cách kinh tế, tăng trưởng sẽ chậm lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Trong số 101 quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 1960, chỉ có 13 quốc gia trở thành thu nhập cao vào năm 2008”, ông Fred McMahon nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo