Chính sách

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần lấy Bộ luật Dân sự làm chuẩn mực

DNVN - Phát biểu tại hội thảo "Tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung quan trọng trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi)" ngày 13/11, TS Trần Du Lịch cho rằng, về tính đồng bộ của hệ thống các quy định liên quan đến nội dung của dự thảo luật, cần lấy nội dung của Bộ luật Dân sự làm chuẩn mực để chế định các vấn đề có liên quan.

20 đại biểu không tán thành Luật đất đai sửa đổi / ĐBQH đề nghị sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào năm 2022

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, kỳ vọng vào các quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư, thứ Năm và thứ Sáu, Quốc hội Khoá XV.

Yêu cầu quan trọng đặt ra đối với việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013 là phải bám sát và thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", trong đó chú trọng triển khai thực hiện 8 nhóm nội dung về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng Quốc hội tiếp tục lắng nghe ý kiến đểhoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Thời gian qua, Chính phủ với sự tham mưu của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực, khẩn trương, tích cực chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xác định thực hiện dự luật này là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Quốc hội Khoá XV, do đó, ngay từ tháng 8/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan để xem xét các vấn đề cần nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Từ đó đến nay, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tổ chức nhiều cuộc làm việc, hội thảo chuyên sâu để tham vấn ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học các chuyên gia và cả một số đối tượng thụ hưởng chính sách về các nội dung sửa đổi Luật Đất đai.

Quốc hội cũng đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với 228 lượt ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội. Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại phiên họp toàn thể đối với dự án Luật này.

Mặc dù dự luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 Kỳ họp, quá trình chuẩn bị cũng đã rất kỹ lưỡng, nhưng đây là dự luật khó, phức tạp, nên việc tiếp tục lắng nghe ý kiến để Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án luật này, xử lý thấu đáo các vấn đề đang đặt ra hiện nay.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận làm rõ kỳ vọng về những cải cách đột phá của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kỳ vọng của nhân dân, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Luật Đất đai (sửa đổi) cần tiếp cận các quy định theo hướng rạch ròi.

Ông Ngô Sách Thực, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về công khai, minh bạch; cơ sở dữ liệu về đất đai; cải cách hành chính trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tháo gỡ vướng mắc trong góp vốn bằng quyền sử dụng đất; phát huy cao nhất nguồn lực đất đai vào sự phát triển của đất nước.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề xuất, Luật Đất đai cần tiếp cận các quy định theo hướng rạch ròi: Nhà nước với tư cách Nhà nước và Nhà nước với tư cách người đại diện chủ sở hữu toàn dân.

Về vấn đề định giá đất, cần làm rõ chỉ có quyền sử dụng đất là loại hàng hóa đặc biệt có giá, chứ không phải là đất, vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Đối với việc định giá quyền sử dụng đất để bồi thường cho người sử dụng đất phải theo cơ chế thương lượng về lợi ích với nhiều hình thức khác nhau.

“Về tính đồng bộ của hệ thống các quy định liên quan đến nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần lấy nội dung của Bộ luật Dân sự làm chuẩn mực để chế định các vấn đề có liên quan. Những nội dung nào đã quy định trong các luật thì không quy định trong Luật Đất đai. Nếu luật chuyên ngành quy định không phù hợp thì sửa luật chuyên ngành. Với cách tiếp cận này thì nội dung của Luật Đất đai sẽ gọn hơn và điều chỉnh đúng đối tượng hơn”, ông Lịch nói.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm