Doanh nghiệp cần chú trọng, kịp thời nắm bắt chính sách
Lợi nhuận khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn thấp / Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi: Tạo tính tự chủ cho địa phương
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hệ thống pháp luật kinh doanh Việt Nam trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 chứng kiến tốc độ thay đổi chưa từng có với hàng loạt luật, nghị định, thông tư được ban hành liên tiếp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Thống kê của VCCI, năm 2024 Việt Nam đã thông qua 31 luật – gấp đôi năm trước. Chính phủ ban hành 182 nghị định, các bộ ngành ban hành tới 629 thông tư. Đáng chú ý, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội dự kiến khai mạc đầu tháng 5 này, sẽ thảo luận và thông qua tới 35 luật và nghị quyết – một khối lượng khổng lồ.
Một xu hướng nổi bật là "một luật sửa nhiều luật", với quy trình rút gọn. Điều này phản ánh sự chuyển biến tích cực trong phản ứng chính sách nhanh, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc thực tiễn cho doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng tiềm ẩn rủi ro nếu phạm vi sửa đổi quá rộng hoặc thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngay cả các nghị định hướng dẫn cũng gặp khó khăn vì thời gian gấp gáp, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp – nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa – trong việc theo dõi, hiểu và tuân thủ kịp thời", ông Tuấn nêu.

Điển hình, Luật Đấu thầu vừa được ban hành năm 2024, đã được sửa trong kỳ họp Quốc hội tháng 1/2025 và tiếp tục được trình sửa tại kỳ họp tháng 5 tới để thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phát phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) từng bị loại bỏ trước đây, nay cũng được đưa trở lại trong một luật sửa 4 luật vừa thông qua.
Sự thay đổi chính sách nhanh chóng này cho thấy rõ tính linh hoạt, nhưng đồng thời cũng phản ánh áp lực điều chỉnh liên tục, khiến doanh nghiệp gặp khó nếu không có bộ phận chuyên trách theo dõi chính sách.
Cũng liên quan đến Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, theo ông Tuấn, đây là một ví dụ điển hình – một văn bản mang tư duy mới, chi tiết, được cộng đồng khoa học và doanh nghiệp đánh giá cao. Chỉ sau vài tháng ban hành, Quốc hội đã kịp thời thông qua Nghị quyết 193 tháo gỡ các vướng mắc khi thực thi, không chờ đến khi Luật Khoa học – Công nghệ và Đổi mới sáng tạo hoàn tất.
Cũng theo ông Tuấn, một bước ngoặt lớn trong quá trình xây dựng pháp luật là việc thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường đầu năm 2025. Luật này rút ngắn đáng kể quy trình lập pháp: thay vì mất 2 năm, hiện nhiều đạo luật có thể được xây dựng và thông qua chỉ trong 6–7 tháng. Đặc biệt, chính sách và luật pháp giờ đây được xây dựng song song, không còn tuần tự như trước. Luật tập trung vào các nguyên tắc, còn chi tiết được giao cho Chính phủ và bộ ngành quy định bằng nghị định, thông tư.
Phó Tổng thư ký VCCI đánh giá, cách làm mới này giúp cơ quan thực thi phản ứng nhanh hơn, nhưng nếu thiếu tham vấn kỹ, có thể gây hệ quả tiêu cực cho doanh nghiệp và cả chính cơ quan ban hành luật. Một thay đổi quan trọng khác là thời gian lấy ý kiến giảm mạnh: từ 60 ngày xuống còn 20 ngày. Tốc độ thay đổi pháp luật nhanh đến mức, ngay cả VCCI – cơ quan theo sát chính sách cũng gặp khó khăn trong việc cập nhật đầy đủ.
“Nếu doanh nghiệp không quan tâm, không đầu tư cho công tác theo dõi chính sách, chỉ một thay đổi nhỏ cũng có thể gây tổn thất lớn”, ông Tuấn cảnh báo.
Từ thực tế trên, ông Tuấn khuyến nghị các doanh nghiệp cần củng cố bộ phận theo dõi chính sách. Bởi trước những thay đổi từ chính sách, nếu không nắm bắt kịp thời có thể gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Việc chuyển từ nghị quyết của Đảng sang quy định pháp luật diễn ra nhanh chóng là biểu hiện của sự quyết liệt và đổi mới trong điều hành chính sách. Dù vậy, cải cách pháp luật vẫn cần thực chất hơn, đồng đều hơn giữa các bộ ngành. Bên cạnh nỗ lực cải cách thể chế, cần đặc biệt coi trọng chất lượng quy trình làm luật, tăng cường tham vấn, công khai, minh bạch, đồng thời bảo đảm thời gian chuyển tiếp hợp lý để doanh nghiệp có thể thích nghi và thực hiện hiệu quả.
End of content
Không có tin nào tiếp theo