Chính sách

Du khách quốc tế đến Việt Nam mới đạt 50% mục tiêu

DNVN - Việc Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3 là quyết định mạnh mẽ, kịp thời. Thống kê số du khách quốc tế vào Việt Nam 4 tháng đầu năm mới đạt 50% kế hoạch. Điều này bắt nguồn từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Giải bài toán nhân lực cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long / Tiêu chí xây dựng đô thị thông minh: Không thể cứng nhắc

4 tháng, đón hơn 100 nghìn khách quốc tế
Nhóm nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa công bố báo cáo về tình hình du lịch quốc tế sau 1 tháng mở cửa, đồng thời đưa ra các đề xuất nhằm đạt được các mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam.
Dẫn thống kê của Tổng cục Du lịch, nhóm nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) và Ban IV cho biết: Trong tháng 3/2022, Việt Nam đón được 15 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, tháng 4 đón được 80 nghìn lượt khách. Tính chung 4 tháng đầu năm đón được 102.358 lượt.
Để đạt được mục tiêu năm 2022 là Việt Nam đón được trên 5 triệu lượt khách quốc tế, nhóm nghiên cứu đặt giả định tỷ lệ phục hồi tăng dần qua các tháng và ước tính sao cho đến tháng 12/2022, Việt Nam đón được tổng số 5 triệu lượt khách như dự kiến. Cụ thể, số lượt khách tới qua các tháng từ tháng 3- 12 lần lượt như sau: 40.000, 160.000, 200.000, 335.000, 465.000, 645.000, 695.000, 760.000, 835.000, 865.000.

4 tháng đầu năm 2022 Việt Nam mới đón được 102.358 lượt khách quốc tế, ước đạt 50% mục tiêu.
Kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế đến Việt Nam từ ngày 15/3 là một quyết định mạnh mẽ, kịp thời và đáp ứng đòi hỏi của ngành du lịch. Tuy nhiên, so với con số du khách vào 4 tháng đầu năm thì chúng ta mới đạt được 50% số ước tính để đạt được chỉ tiêu.
Phân tích nguyên nhân hoạt động du lịch trong tháng vừa qua chưa đạt được kỳ vọng, nhóm nghiên cứu cho rằng có cả lý do khách quan và chủ quan.
Trong đó, lý do khách quan là cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine. Các thị trường lớn truyền thống của Việt Nam chưa sẵn sàng. Trong đó, điển hình là Trung Quốc chưa mở cửa cho du lịch vì chiến lược Zero-Covid. Hàn Quốc chỉ thật sự mở cửa cho du lịch ra nước ngoài từ 1/4, Nhật Bản và Đài Loan vẫn đang áp dụng chính sách cách ly khi khách du lịch quay về từ một số quốc gia.
Thời điểm mở cửa rơi vào cuối mùa cao điểm của du lịch (thường từ tháng 10 đến hết tháng 4 hàng năm) và thiếu sự chuẩn bị cần thiết trước đó một vài tháng để thu hút và xây dựng niềm tin cho các thị trường gửi khách.
Trong khi đó, các nước khác trong khu vực có kế hoạch mở cửa khá bài bản. Điển hình như Thái Lan đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế được tiêm chủng đủ liều từ hơn 60 quốc gia, miễn cách ly từ tháng 11/2021 và liên tục có những chính sách đổi mới. Sau đó, Thái Lan thu hút khách tới với chương trình “Test and Go” (Xét nghiệm và Đi du lịch). Đến nay, Thái Lan đã bỏ quy định yêu cầu khách phải xét nghiệm trước khi nhập cảnh. Do đó, Thái Lan sẽ vượt trội hơn Việt Nam trong những tháng tới do có sự chuẩn bị điểm đến và chiến lược rõ ràng và linh hoạt.
Về lý do chủ quan, có 3 nguyên nhân chính: Sự kiện truyền thông và xúc tiến của du lịch Việt Nam ở nước ngoài chưa được đẩy mạnh, các quy định về y tế của Việt Nam chưa thật sự thuận lợi cho khách, chính sách thị thực còn một số bất cập.
Chính sách thị thực nói chung chưa thực sự được áp dụng như trước khi xảy ra đại dịch. Những ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới, chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực. Thị thực nhận tại cửa khẩu vẫn phải cần giấy “chấp thuận visa”, cần nhiều loại giấy tờ thủ tục nhiêu khê hơn so với trước COVID-19. Thị thực điện tử chưa có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả và chưa giải thích lý do vì sao hồ sơ bị từ chối.
Đề xuất lập tổ công tác đặc biệt
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, nhằm đạt được số lượt du khách quốc tế tới trong các tháng tiếp theo như dự tính, nhóm nghiên cứu đề xuất chính sách thị thực cần cởi mở hơn.
Theo đó, chính sách miễn thị thực cần được cải thiện. Mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các nước như Mỹ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan… Áp dụng thị thực xuất-nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn (30 ngày). Thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu cần thuận tiện hơn, giảm bớt giấy tờ và thủ tục;
Các yêu cầu đối với du khách quốc tế cần bỏ bớt hoặc giảm thiểu. Cụ thể, cần phải bỏ yêu cầu khách du lịch quốc tế xét nghiệm trước khi xuất cảnh, chỉ cần test nhanh tại cửa khẩu nếu khách có các triệu chứng như sốt, ho… Bảo hiểm du lịch nên bỏ yêu cầu bao gồm nội dung dành cho điều trị COVID-19.

Nhóm nghiên cứu đưa ra nhiều đề xuất nhằm cải thiện hoạt động du lịch.
Truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch cần được đẩy mạnh. Tổ chức các chuyến tiếp thị trực tiếp ra thị trường chính, như tổ chức các chuyến xúc tiến kinh doanh, chào bán sản phẩm, tổ chức các sự kiện giới thiệu Việt Nam ở nước ngoài như tại Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc...
Mời đại diện các công ty lữ hành lớn, báo chí, người có tầm ảnh hưởng của từng thị trường trọng điểm tham gia các đoàn khảo sát (Fam Trip, Press Trip) và viết bài quảng bá cho các điểm đến của Việt Nam. Tổ chức các chiến dịch truyền thông quốc tế, tăng cường hoạt động e-marketing (trang web Vietnam.travel và các trang mạng xã hội).
Ngoài ra, hoạt động thông tin và truyền thông cần hiệu quả hơn. Trong đó trước mắt, ưu tiên cho việc phổ biến trang web vietnam.travel và các trang mạng xã hội của Tổng cục Du lịch để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều được biết. Cần phải xây dựng một kế hoạch truyền thông kỹ lưỡng để bảo đảm tất cả các bên liên quan đều hiểu rõ về kế hoạch mở cửa du lịch.
Đề xuất thành lập tổ công tác đặc biệt gồm đại diện khu vực công – tư để bảo đảm việc điều hành linh hoạt, khoa học và thuận lợi cho tất cả các bên. Tổ công tác hoạt động điều hành trực tuyến, thường xuyên cập nhật tình hình để đưa ra các quyết định kịp thời.
Tổ công tác sẽ thực hiện hoặc hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các báo cáo hàng tháng trình Chính phủ, đồng gửi các Bộ, ngành, địa phương liên quan để đúc kết các bài học, đề xuất cải thiện các quy định cho mở cửa du lịch quốc tế được thông thoáng và thuận lợi hơn.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm