Nâng chất lượng nhân lực ngành logistics để tăng năng lực cạnh tranh
DNVN - Đại dich COVID-19 cho thấy rõ vai trò to lớn của nhân lực ngành logistics trong nền kinh tế. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là yếu tố then chốt để giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trên bản đồ ngành logistics thế giới.
Hướng dẫn thực hiện hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch theo từng cấp độ dịch COVID-19 / Chuyên gia kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp
Nhân lực đóng vai trò quan trọng
Tại Tọa đàm trực tuyến “Khởi nghiệp cùng logistics” do Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức ngày 2/11, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển logistics (VLI - VLA), Phó Chủ tịch VALOMA cho biết, tại Việt Nam, logistics tuy là ngành mới nhưng đã đạt những thành quả to lớn. Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về hiệu quả logistics quốc gia, từ những bản báo cáo đầu tiên năm 2007 đến năm 2018, Việt Nam luôn trong top 60 quốc gia (ngoại trừ năm 2016 bị tụt xuống vị trí 64). Đặc biệt năm 2018, Việt Nam ở vị trí thứ 39/160 quốc gia.
Cùng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng chính là hoạt động xương sống của nền kinh tế. Logistics đồng hành với tất cả các lĩnh vực từ sản xuất, phân phối, lưu thông cho đến tiêu thụ với tỷ trọng đóng góp khoảng 6% vào GDP.
PGS. TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
"Gần 2 năm qua, sự xuất hiện của COVID-19 đã gây ra tác động tiêu cực đến ngành logistics, làm tăng chi phí vốn đã ở mức cao. Trước thực trạng đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là yếu tố then chốt để giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành logistics thông qua các ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử, khai thác phương thức vận hành logistics điện tử", bà Thu Thủy nói.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, logistics là một trong những ngành dịch vụ thiết yếu mang tính nền tảng xuyên suốt trong nhiều lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế - xã hội. Trong đó, nhân lực đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ngành logistics.
Ngành logistics đã nhận được sự quan tâm từ phía Chính phủ, đặc biệt là có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với các DN, qua đó xác định chính xác nhu cầu lao động và nhân lực cho ngành logistics.
Nhấn mạnh vai trò của yếu tố nhân lực, ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chia sẻ, hơn 1 năm qua, khi đối mặt nhiều khó khăn do tác động của COVID-19, chúng ta thấy rõ nhân lực trong ngành logistics đóng vai trò quan trọng như thế nào trong nền kinh tế. Đây là yếu tố có tính chất quyết định để bắt kịp vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của ngành logistics còn hạn chế. Nhiều vị trí việc làm như công nghệ thông tin, kinh doanh, khai thác vận tải, kho hàng logistics không đáp ứng được nhu cầu nhân lực. Các ứng viên dự tuyển còn thiếu kinh nghiệm, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, tác phong làm việc, yêu cầu làm việc theo nhóm, kiến thức chuyên môn còn hạn chế.
"Sự kiện là cơ hội để các cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên, sinh viên nắm bắt được xu thế cũng như yêu cầu áp dụng kiến thức vào thực tiễn, giúp tăng cường tính kết nối giữa nguồn nhân lực đầu ra với DN, từ đó từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực trong ngành logistics", ông Dũng nêu.
Kỹ năng cần thiết với sinh viên ngành logistics
Tại tọa đàm, các diễn giả đều có chung nhận định, sinh viên là thành tố quan trọng, có thể góp phần chung tay nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trên bản đồ ngành logistics thế giới. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, rất cần nhiều nguồn nhân lực mềm để ngành logistics phát triển.
Ông Trương Anh Dũng chia sẻ, trong một nghiên cứu do VLI cùng một số đơn vị đối tác thực hiện năm 2020, có 5 tiêu chí chính mà các DN logistics quan tâm. Đó là kỹ năng, kiến thức, khả năng sử dụng ngoại ngữ, kinh nghiệm và thái độ khi phỏng vấn. Trong 5 năm tới, các vị trí được tuyển dụng nhiều là khai báo hải quan, hành chính logistics, giao nhận hàng hóa, logistics điện tử, vận hành kho và quản lý kho, điều phối vận tải và công nghệ thông tin.
Sinh viên là thành tố quan trọng giúp nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trên bản đồ ngành logistics thế giới.(Ảnh: TVU)
Đề cập những kỹ năng sinh viên theo nghề giao nhận vận tải cần trang bị, ông Nguyễn Hồng Khanh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giao nhận vận tải Hội nhập cho rằng, kỹ năng đầu tiên là lập kế hoạch, bởi có kế hoạch tốt mới hoàn thành công việc. Không lập kế hoạch có thể bị giao trễ đơn hàng, số tiền bị phhạt sẽ rất lớn.
Trong ngành logistics và chuỗi cung ứng thì các chuỗi và mắt xích kết nối với nhau. Công việc của người này ảnh hưởng đến người khác. Khi một mắt xích bị hỏng, có vấn đề thì công việc chung bị ảnh hưởng. Do đó, kỹ năng thứ hai là phối hợp tổ chức giữa các thành viên trong nhóm. Tuy vậy, mỗi cá nhân phải thể hiện kỹ năng làm việc độc lập để hoàn thành deadline, bắt buộc phải có quyết định sáng suốt, kỹ năng giao tiếp khéo léo để công việc trôi chảy.
Ngoài ra, kỹ năng ngoại ngữ cực kỳ cần thiết và gần như là kỹ năng bắt buộc đối với người làm trong ngành, đặc biệt với những người phụ trách mảng phát triển khách hàng...
Đưa ra lời khuyên cho sinh viên theo học ngành logistics, ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketting Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn nhấn mạnh tính thích ứng linh hoạt cao với hoàn cảnh. Đó là tinh thần học hỏi, cập nhập thông tin và xu hướng mới. Bên cạnh đó là kỹ năng phân tích, đưa ra quyết định đúng, tính sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới.
"Khi đứng trước cơ hội và thách thức, chúng ta phải nhận diện và điều chỉnh. Với DN phải đặt khách hàng là trung tâm. Với sinh viên cũng vậy. Phải nhận diện những thách thức và cơ hội, từ đó điều chỉnh cách học tập, chuẩn bị cho tương lai. Các trường đại học cũng cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp với bối cảnh mới", ông Lộc khuyến nghị.
Cần xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Trần Thanh Hải kiến nghị, Nhà nước cần xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đào tạo về logistics đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Đối với các địa phương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, việc hình thành và liên kết giữa các trường đào tạo liên ngành về logistics, trong đó có liên kết với nhà đầu tư nước ngoài có vai trò rất quan trọng.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu.
Về phía các cơ sở đào tạo, để nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics, cần kiên trì phát triển nguồn nhân lực giảng viên giảng dạy về logistics. Ngoài ra là thu hút các chuyên gia về logistics trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu cũng như liên kết chặt chẽ với các DN để xây dựng các chương trình đào tạo, thực hành, thực tập. Việc hợp tác với DN để tạo điều kiện cho sinh viên có thể đi thực tế, thực tập, nghiên cứu khoa học cũng như tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Trong khi đó, ông Trương Anh Dũng mong muốn các DN, các cơ quan đơn vị có liên quan đẩy mạnh liên kết hợp tác đào tạo, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các quốc gia phát triển, có thế mạnh trong đào tạo nhân lực ngành logistics để phối hợp và xây dựng các chương trình đào tạo có chất lượng, bồi dưỡng đào tạo nâng cao đội ngũ cấp cao của DN. Ngoài ra, cần tập trung phát triển các kỹ năng và công nghệ mới; chú trọng trình độ ngoại ngữ, khả năng vận dụng luật pháp, tập quán thương mại quốc tế để giúp lao động ngành lolistics thích nghi hiệu quả hơn với yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập.
Tọa đàm trực tuyến “Khởi nghiệp cùng logistics” là sự kiện đầu tiên trong chuỗi hội thảo “VALOMA CONFEST” về logistics và quản trị chuỗi cung ứng do VALOMA tổ chức. VALOMA CONFEST được tổ chức nhằm giới thiệu và lan tỏa hình ảnh của Hiệp hội tới các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, sinh viên và công chúng quan tâm; trao đổi những vấn đề học thuật và thực tiễn cập nhật nhất trong lĩnh vực LSCM; đồng thời xác lập thêm kênh thông tin tham vấn đến các cơ quan quản lý Nhà nước khi xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển ngành logistics tại Việt Nam... |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo