Chính sách

Nên quy định 1 mức ưu đãi với hàng hoá 'Made in Vietnam' trong lựa chọn nhà thầu

DNVN - Góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, doanh nghiệp cho rằng, việc xác định cụ thể tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước rất khó thực hiện và bóc tách, khó chứng minh và cũng khó kiểm chứng.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Đề xuất cơ chế đột phá huy động tối đa nguồn lực đầu tư / Trăn trở bài toán huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh

Hiện tại, Bộ KH&ĐT đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Dự thảo có nhiều quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu. Trong đó, có ưu đãi đối với hàng hoá có xuất xứ Việt Nam được quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 5.

Theo đó, hàng hoá có xuất xứ Việt Nam được chia làm hai mức ưu đãi: Hang hóa có chi phí sản xuất trong nước dưới 50% và hàng hoá có chi phí sản xuất trong nước trên 50%.

Để hưởng các ưu đãi này, nhà thầu phải có giấy tờ chứng kinh hàng hoá dự thầu có xuất xứ Việt Nam. Bên mời thầu căn cứ vào các tài liệu nhà thầu cung cấp để đánh giá mức độ được hưởng ưu đãi của nhà thầu.


Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đưa ra 2 mức ưu đãi đối với hàng hoá Made in Vietnam.

Góp ý cho Dự thảo, bà Nguyễn Quỳnh Lan - Công ty Cổ phần Giá xây dựng cho biết, hiện nay việc thiếu quy định về xuất xứ hàng hoá nội địa Việt Nam là một trong những thực trạng khiến không ít doanh nghiệp lạm dụng tem, nhãn “Made in Vietnam” dù tỷ trọng sản xuất nội địa là rất thấp.

Việc xác định xuất xứ hàng hoá là là một cụm từ đa nghĩa, bởi quá trình sản xuất hàng hoá bao gồm nhiều quá trình nhỏ lẻ. Định mức các công đoạn sản xuất của các nhà thầu là khác nhau, giá cả nguyên vật liệu đầu vào khác nhau, nhà thầu chỉ cần điều chỉnh định mức là sẽ dễ dàng vượt 30%, 50% dù thực tế không phải như vậy.

Tại thời điểm dự thầu, nhiều hàng hoá chưa được sản xuất. Việc chứng minh tỷ lệ hàng hóa có tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước dưới 50% và trên 50% (để được hưởng ưu đãi các mức khác nhau) chỉ mang tính chất tương đối.

Do đó, bà Lan đề xuất, xuất xứ hàng hoá là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá chất lượng hàng hoá, ảnh hưởng đến kết quả lựa chọn nhà thầu. Tại thời điểm đấu thầu, nhiều hàng hóa chưa được sản xuất.

Để tránh việc gian lận xuất xứ hàng hoá, phải quy định cụ thể thời điểm, các giấy tờ cần thiết chứng minh chi phí sản xuất trong nước của hàng hóa phải từ 30% trở lên.

Trường hợp nhà thầu chứng minh được tỷ lệ nội địa hoá đáp ứng để hưởng ưu đãi thì nhà thầu phải cam kết khi sản xuất hàng hoá phải sử dụng đúng các loại nguyên vật liệu và định mức như khi tính toán tỷ lệ nội địa hoá. Trường hợp có sự sai khác, nhà thầu được coi là gian lận và bị xử lý vi phạm.

Ngoài ra, Ba Lan đề nghị Chính phủ nên giao Bộ Công thương xây dựng thông tư hướng dẫn cụ thể cách xác định hàng hoá xuất xứ “Made in Vietnam” và cách chứng minh hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), việc xác định cụ thể tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước rất khó thực hiện và bóc tách, khó chứng minh và cũng khó kiểm chứng.

Do vậy, chỉ nên quy định 1 mức ưu đãi là hàng hoá có xuất xứ Việt Nam. Hoặc trong trường hợp cần thiết phải quy định tỷ lệ chi phí sản xấu trong nước để được hưởng ưu đãi thì các ngành, lĩnh vực riêng, đặc thù sẽ có quy định cụ thể tuỳ vào tình hình thực tế của ngành nghề đó.

Đại diện cơ quan soạn thảo Dự thảo, bà Nguyễn Thị Thuý Hằng - Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) chia sẻ, Ban soạn thảo cũng nhận thấy việc chứng minh tỷ lệ sản xuất ở trong nước là khó.

Ở thời điểm hiện hành, với quy định từ 25% trở lên, nhà thầu vẫn phải chứng minh đã có tỷ lệ sản xuất trong nước từ 25% trở lên thì mới được hưởng ưu đãi.

Do vậy, sau này Cục Quản lý đấu thầu sẽ phối hợp với VCCI và Bộ Công Thương để xem xét có cách thức xác định đơn giản chi phí sản xuất trong nước đối với mỗi gói thầu.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm