Chính sách

Nhiều rào cản khiến doanh nghiệp gặp khó trong thúc đẩy năng suất lao động

DNVN - Việt Nam đã hình thành khung chính sách tương đối đầy đủ về tăng năng suất lao động (NSLĐ). Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn đối mặt với nhiều rào cản trong thúc đẩy NSLĐ như sự bất định khi đầu tư vào công nghệ, lực lượng lao động thiếu những kỹ năng cần thiết và thiếu nguồn vốn đầu tư...

Dự kiến ngày 20/11 diễn ra hội nghị công bố hành động của Chính phủ về phát triển vùng Tây Nguyên / Phát triển đô thị còn nhiều yếu tố chưa bền vững

Kỹ năng lao động còn hạn chế
Tại hội thảo "Thúc đẩy NSLĐ cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam" Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 29/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, tăng NSLĐ là yếu tố quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và là điều kiện tiên quyết để giúp Việt Nam thu hẹp trình độ phát triển với các nước trong khu vực, hướng tới mục tiêu là nước phát triển với thu nhập cao vào năm 2045.
Trong giai đoạn vừa qua, NSLĐ của Việt Nam cũng có những cải thiện đáng kể. Tốc độ tăng NSLĐ bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 5,8%/năm, cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015 trước đó. Năm 2021, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam khoảng 4,7%, cao nhất trong các nước ASEAN. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là nước có mức NSLĐ thấp và khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, tăng NSLĐ là yếu tố quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Nói rõ hơn về hạn chế này, TS Đặng Đức Anh - Phó viện trưởng CIEM cho biết, trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù NSLĐ thấp nhưng tốc độ tăng tương đối cao do quá trình chuyển dịch cơ cấu.
Trong khi đó, NSLĐ của khu vực công nghiệp - xây dựng thấp và không ổn định, chủ yếu do tham gia ở phân khúc giá trị gia tăng thấp và sử dụng nhiều lao động, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng. NSLĐ của khu vực dịch vụ giữ xu hướng tăng nhưng thiếu ổn định và dựa nhiều vào các ngành dịch vụ truyền thống.
Về chính sách, Việt Nam đã hình thành khung chính sách tương đối đầy đủ, là nền tảng cho cải thiện NSLĐ. Tư duy chính sách về mô hình, hoạt động kinh tế mới bước đầu hoàn thiện, nhấn mạnh đến NSLĐ, đổi mới sáng tạo và động lực cho DN.

Theo TS Đặng Đức Anh - Phó viện trưởng CIEM, thể chế, chính sách về NSLĐ chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ.
Tuy vậy, thể chế, chính sách chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến hiệu quả phối hợp thực hiện các giải pháp cải cách hướng đến cải thiện NSLĐ. Vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm thực hiện thực chất, hiệu quả và nhất quán chưa được xác định cụ thể.
Trong khi đó, DN đối mặt với nhiều rào cản trong thúc đẩy NSLĐ. Đó là sự bất định khi đầu tư vào công nghệ; năng lực đổi mới phản ánh qua chất lượng quản lý còn yếu kém; lực lượng lao động thiếu những kỹ năng cần thiết và thiếu nguồn vốn đầu tư.
Chất lượng nguồn lao động được cải thiện nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp (22,6%), kỹ năng lao động còn hạn chế. Do đó, chưa đóng góp nhiều vào tăng trưởng NSLĐ.
Gia tăng ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đang dần hình thành và hoàn thiện. Việt Nam cũng đã tham gia vào chuỗi giá trị về sản phẩm công nghệ cao, nhưng chủ yếu lắp ráp linh kiện, công nghệ ít phức tạp và thông qua DN FDI.
Đặc biệt, tiêu chuẩn về đổi mới sáng tạo ở khía cạnh phổ biến và khám phá đều ở mức dưới kỳ vọng; đầu tư cho khoa học - công nghệ ở mức khiêm tốn.
Xây dựng Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ
Với mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng NSLĐ bình quân từ 6,5 - 7%/năm, nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đứng trong nhóm hàng đầu của ASEAN về tốc độ tăng NSLĐ, CIEM kiến nghị cần thúc đẩy NSLĐ của các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng dựa trên hạ tầng kết nối, cơ chế đặc thù, phân cấp quản lý.
Đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, bao gồm công nghệ số, và phát huy đổi mới sáng tạo để tăng NSLĐ. Đẩy nhanh quá trình chính thức hóa hoạt động kinh tế ở khu vực phi chính thức.
Ngoài ra cần nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách về NSLĐ quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 để thúc đẩy và điều phối xử lý các vấn đề liên ngành đối với NSLĐ.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng thống nhất cho rằng việc xây dựng Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ là nhiệm vụ quan trọng, vừa có ý nghĩa thời sự nhằm sớm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, vừa là trọng tâm chiến lược nhằm góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và giúp Việt Nam "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên" các quốc gia trong khu vực.
Được biết, tại Nghị quyết số 1/NQ-CP năm 2022, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu, xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ. Triển khai nhiệm vụ này, trong gần một năm vừa qua, CIEM đã chủ động nghiên cứu, khảo sát thực tế tại một số địa phương, tổ chức các hội thảo chuyên gia, tọa đàm kỹ thuật để xây dựng Dự thảo Báo cáo Đề án Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ làm nền cho thảo luận và tiếp tục lấy ý kiến tại các sự kiện như hội thảo hôm nay.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm