Tư duy mới, đột phá mới trong phát triển Đông Nam Bộ
Cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ / Khung giá đất mới tại TP. HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ
Với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”, Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ được tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì hội nghị. Sự kiện dự kiến sẽ thu hút 500 đại biểu tham dự.
Đây là hội nghị “ba trong một”: Công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ.
Bên cạnh đó là Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Đông Nam Bộ Đột phá mới - Tầm cao mới” và gian hàng trưng bày các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương trong vùng.
Tại buổi họp báo về hội nghị công bố chương trình hành động phát triển Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã đưa ra những giải pháp cụ thể trong chương trình thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.
Đó là đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại.
Phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu trong nền kinh tế cả nước của Đông Nam Bộ; cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực.
Cùng với đó, các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế của Đông Nam Bộ phải phát triển đứng đầu cả nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng phải được giải quyết cơ bản.
Với TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây phải trở thành nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời phấn đấu trở thành trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.
Giáp với Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, những vùng nguyên liệu dồi dào để phát triển công nghiệp chế biến, Đông Nam Bộ có thế mạnh về phát triển cây công nghiệp. Vùng nổi tiếng với thủ phủ điều tại Bình Phước, cà phê tại Đồng Nai, cao su ở Bình Dương.... Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế của khu vực nông lâm ngư nghiệp thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung cả nước.
"Trong bất cứ quy hoạch nào, nông nghiệp, với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, luôn có vai trò hết sức quan trọng", ông Phương nhấn mạnh.
Về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đông Nam Bộ đến năm 2030, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mỗi tỉnh, thành phố và rộng hơn là cả vùng sẽ dựa vào đặc điểm sẵn có để xác định cơ cấu phát triển.
Đông Nam Bộ còn ít dư địa về tài nguyên, đất đai, nguồn lực nên khó phát triển theo chiều rộng. Nhìn vào dài hạn, vùng muốn tái cơ cấu kinh tế hoặc xây dựng các mô hình tăng trưởng bắt buộc phải "tăng vào chiều sâu" thông qua việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và dịch vụ chất lượng cao.
Song song với đó là các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất - kinh doanh của toàn vùng.
Đây sẽ là những nội dung chính được bàn thảo tại hội nghị ngày 26/11, bên cạnh lễ trao các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với đối tác.
"Điều quan trọng nhất là xác định được không gian phát triển và quy hoạch cho toàn vùng Đông Nam Bộ. Cần nhấn mạnh, là lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ của Đông Nam Bộ rất lớn. Vấn đề là chúng ta cần xác định một tỷ lệ hợp lý trong cơ cấu kinh tế để phát triển hiệu quả, bền vững", ông Phương nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo