Chính sách

Phát triển điện khí LNG: Cần chiến lược dài hơi để doanh nghiệp đầu tư không bị động

DNVN - Theo chuyên gia Ngô Trí Long, muốn phát triển thị trường điện khí LNG bên cạnh chính sách đặc thù cần có chiến lược dài hơi để các doanh nghiệp chủ động, không phải chạy theo.

Xác định khâu đột phá, cơ cấu lại mô hình tăng trưởng vùng Tây Nguyên / 315 loại thuốc được đề xuất áp dụng hình thức đàm phán giá

Nhiều thách thức

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo.

Theo đó, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 14,9% cơ cấu nguồn điện. Nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14 -18 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 - 16 tỉ m3 vào năm 2045.

Giới chuyên gia đánh giá, Việt Nam là quốc gia có nhiều cơ hội thuận lợi cho điện khí LNG. Đây là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Tuy vậy, tại diễn đàn “Hiện thực hoá mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII” chiều ngày 7/12 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, phát triển điện khí LNG tại Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn trong hoạch định chính sách, đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành...

Cụ thể, Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn nhiên liệu này. Hoạt động nhập khẩu cần tuân thủ các thông lệ mua bán LNG quốc tế trong khi Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu cũng như chưa xây dựng hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý cho các dự án LNG.


Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI.

Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm trong phát triển các chuỗi dự án điện - khí LNG. Việc xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG có yêu cầu cao về kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt với vốn đầu tư lớn.

Về phía các doanh nghiệp, đầu tư cho dự án điện khí LNG cần nguồn lực lớn, công nghệ hiện đại nên việc thu xếp vốn cho dự án gặp nhiều thách thức…

Trong khi đó, việc phát triển các dự án phải tuân thủ quy trình đầu tư thông thường cũng như chưa có cơ chế ưu đãi, khuyến khích về thuế, phí để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển loại hình nguồn điện mới.

Ở góc độ chuyên gia, TS Ngô Trí Long cho rằng, thời gian qua, mặc dù Thủ tướng chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành quản lý đã có nhiều quyết định, chỉ đạo, nhưng nhiều dự án, chuỗi dự án khí - điện LNG đã được quy hoạch, thậm chí đã được cho phép chủ trương đầu tư vẫn chưa được triển khai hoặc bị kéo dài tiến độ chuẩn bị đầu tư.

Cùng với đó, các cơ chế để cung cấp LNG cho điện hết sức khó khăn. Dự báo trong năm 2024 vẫn chưa thể bán được LNG cho điện.

Khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh…

Phải theo cơ chế thị trường

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí theo quy hoạch điện VIII, cần thiết phải thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG cạnh tranh, hiệu quả.

Các doanh nghiệp bao giờ cũng hướng tới lợi ích và mong muốn thị trường phải được phát triển lành mạnh, bảo đảm tính công bằng. Do đó, phát triển điện khí phải theo cơ chế thị trường, dưới sự điều tiết của nhà nước.

“Kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường thì điều hành giá điện cũng phải theo cơ chế thị trường. Điều hành giá điện hiện nay theo kiểu đầu vào theo cơ chế thị trường nhưng đầu ra theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, chuyên gia nhìn nhận.

Kinh nghiệm ở một số nước như Hàn Quốc, Singapore... nhà nước chi phối việc điều tiết thị trường khí. Vì vậy, muốn phát triển thị trường khí cần quy hoạch tổng thể, có chiến lược dài hơi để các doanh nghiệp chủ động, không phải chạy theo. Điện khí là xu hướng tất yếu nên cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm tham gia thị trường.


Ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam.

Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Namkiến nghị, với loại hình kinh doanh mới này cần có cách tiếp cận mới, phù hợp và khả thi. Trong đó, giá điện khí LNG bắt buộc phải theo cơ chế thị trường vì trọng số trong cấu thành giá điện khí LNG chủ yếu là giá LNG nhập khẩu.

“Muốn có giá LNG tốt thì phải có các cam kết dài hạn. Muốn cam kết mua và bán khí LNG dài hạn thì cũng phải có cam kết dài hạn từ nhà máy điện. Nhà máy điện muốn cam kết được thì cũng phụ thuộc vào khách hàng của họ có cam kết mua điện dài hạn hay không?

Các cam kết dài hạn, hợp tác quốc tế và điều tiết giá theo cơ chế thị trường là những điều kiện tiên quyết hay điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện theo Quy hoạch Điện VIII và Quy hoạch Năng lượng Quốc gia”, ông Thập nhấn mạnh.


Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm