Xuất khẩu thủy sản 2022 đạt kỷ lục gần 11 tỷ USD
Xuất khẩu thủy sản nỗ lực đạt 10 tỷ USD / Kết nối doanh nghiệp thủy sản tiếp cận nguồn công nghệ mới
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch công tác năm 2023 của Tổng cục Thủy sản, chiều 27/12, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết, năm 2022 tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản tăng 3% so với năm 2021, tổng sản lượng đạt 9,06 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021.
Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 5,19 triệu tấn, tăng 7% với năm 2021 và 3,7% theo kế hoạch (5 triệu tấn); sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn, giảm 1,8% so với năm 2021.
Đây là năm thứ hai Tổng cục Thủy sản thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong năm 2022, các chỉ tiêu của ngành đều đạt vượt mức đề ra.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỷ USD). Đặc biệt, hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu ấn tượng: Tôm nước lợ đạt 4,1 - 4,2 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với năm 2021; Cá tra đạt 2,35 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với năm 2021.
Bà Nguyệt cho biết, ngay trong các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức các đoàn công tác đi nắm tình hình sản xuất tại địa phương; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn phát triển sản xuất ngành hàng tôm, cá tra cùng các đối tượng nuôi chủ lực khác.
Về tổ chức sản xuất, ngành thủy sản có nhiều bước tăng trưởng đột biến. Riêng cá tra, diện tích thả nuôi đạt 5.700 ha, bằng với cùng kỳ năm 2021 nhưng sản lượng đạt 1,712 triệu tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với đó, diện tích nuôi biển đạt khoảng 9 triệu m³ lồng, bao gồm: 4 triệu m³ lồng nuôi cá biển, 5 triệu m³ lồng nuôi tôm hùm. Tổng sản lượng đạt 670 nghìn tấn, tăng 3,5% so với năm 2021.
Tuy nhiên, việc cấp mã số các cơ sở nuôi trồng thủy sản còn nhiều khó khăn khi triển khai tại địa phương. Kết quả thực hiện còn hạn chế như: Mã số với cơ sở nuôi cá tra đạt 725/975 giấy xác nhận (tương đương 74,4%); với cơ sở nuôi tôm nước lợ đạt 29.607/360.762 giấy xác nhận (khoảng 8,2%); với cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè đạt 621/17.124 giấy xác nhận (khoảng 3,6%).
Cũng theo lãnh đạo ngành thủy sản, trong Chiến lược phát triển thủy sản, ngành đặt mục tiêu giảm cường lực khai thác, đồng thời tăng cường quản lý đội tàu. Cả hai mục tiêu này đều có những bước phát triển trong năm 2022.
Theo đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,66 triệu tấn, giảm 2,0% so với năm 2021; số lượng tàu cá còn 86.585 tàu, giảm 2,9% so với năm 2021. Số tàu cá giảm tập trung vào các loại tàu có chiều dài dưới 15m.
Ngành thủy sản đã ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu tàu cá lên Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) để quản lý đội tàu.
Đồng thời quản lý sát sao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi (31.279 giấy phép), hướng dẫn 28 tỉnh, thành phố ven biển công bố, quản lý hạn ngạch giấy phép khai thác vùng ven bờ và vùng lộng (67.132 giấy phép). Việc đánh dấu tàu cá hiện đạt 96,5%.
Đến nay, toàn quốc đã có 30 cơ sở đăng kiểm tàu cá đủ điều kiện, trong đó có 5 cơ sở mới công nhận. 80 cảng cá đủ điều kiện hoạt động, gồm: 3 cảng cá loại 1, 60 cảng cá loại 2 và 17 cảng cá loại 3. Trong đó, 53 cảng cá đủ điều kiện triển khai hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, 62 cảng cá cho tàu cá vùng khơi cập cảng.
Song song với đó, 74 khu neo đậu tránh trú bão được công bố, gồm: 16 cơ sở cấp vùng, 52 khu cấp tỉnh và 3 khu khác, đạt tổng sức chứa khoảng 47.000 tàu. Đồng thời, 16/28 tỉnh thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của ngành thủy sản là tháo gỡ thẻ vàng cảnh báo khai thác bất hợp pháp (IUU). Trong nỗ lực, quyết tâm cao độ của toàn ngành, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu Chính phủ phê duyệt Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025”. Đây là cơ sở để Bộ NN&PTNT triển khai kiểm tra việc chống khai thác IUU tại các 16 tỉnh, thành phố ven biển thời gian qua.
Trên cơ sở này, trong phiên họp chiều 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Kế hoạch 6 tháng cao điểm triển khai các hoạt động chống khai thác IUU.
Để triển khai đồng bộ, thống nhất nhiệm vụ, mục tiêu, các nhóm giải pháp đề ra tại Chiến lược Phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025, Tổng cục Thủy sản xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 là tập trung thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn và tiếp tục chỉ đạo địa phương triển khai đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển.
Triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030; Đề án cá tra 3 cấp, nuôi biển, tôm hùm, tôm càng xanh và các chương trình, đề án, dự án khác.
Đặc biệt, ngành thủy sản sẽ triển khai khắc phục thẻ vàng IUU thông qua việc tiếp tục tham mưu cho Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai có hiệu quả các giải pháp, kế hoạch về chống khác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định.
Chuẩn bị kế hoạch, kịch bản làm việc với đoàn thanh tra của Cộng đồng châu Âu (EC) kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam năm 2023.
Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông đến với cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp và các thành phần có liên quan để cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình chống khai thác IUU; tuyên truyền, tập huấn các quy định pháp luật có liên quan.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam