Khó kiểm soát giá thành thức ăn công nghiệp nuôi biển
Sẽ thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi / Phát triển nuôi biển tạo sinh kế mới cho ngư dân
Phát biểu tại “Hội thảo thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam” sáng 15/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển, như đối tượng nuôi phong phú, sản phẩm cho giá trị kinh tế cao.
Một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển bước đầu được hình thành, từ hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, đến hệ thống công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ.
Số liệu từ Tổng cục Thủy sản cho biết, tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng nửa triệu ha, trong đó diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển là 153.300 ha; diện tích nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790 ha và nuôi vùng biển xa bờ 100.000 ha. Đến năm 2021, Việt Nam có khoảng 8 triệu m3 lồng nuôi biển, với sản lượng đạt trên 700 ngàn tấn.
Tuy nhiên, ngành nuôi biển Việt Nam còn gặp một số thách thức do quy hoạch chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát, công tác nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ còn yếu, công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khoẻ và môi trường vùng nuôi, hạ tầng phục vụ nuôi biển còn hạn chế.
Đặc biệt, việc sản xuất và cung cấp thức ăn chuyên cho nghề nuôi biển hiện chưa phát triển mạnh, dù đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định tới giá thành, chất lượng của sản phẩm.
Thức ăn cho nuôi biển được cung cấp bởi 2 nguồn chính là sản xuất trong nước và nhập ngoại. Về sản xuất, thức ăn gồm 2 loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh phục vụ nuôi cá biển công nghiệp; thức ăn tự chế từ tận dụng các loại phế phụ phẩm trong nông nghiệp, các loài cá tạp được sử dụng khá phổ biến trong nuôi biển, đặc biệt nuôi cá biển và nuôi tôm hùm.
“Phần lớn lượng thức ăn công nghiệp cho nuôi biển do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất hoặc nhập ngoại nên khó kiểm soát được giá thành, chất lượng, nguồn gốc của thức ăn cũng như khả năng và các phương thức cung cấp.
Đây là một trong những yếu tố tác động đến phát triển bền vững của nuôi trên biển hiện nay, dẫn đến nghề nuôi biển chậm phát triển", ông Tiến nói.
Để nuôi biển bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kêu gọi cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến hải sản để tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Lãnh đạo Bộ NNPTNT đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt.
Đó là nghiên cứu, phát triển các công thức thức ăn, nguyên liệu chế biến thức ăn phù hợp với từng loài và giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn con non, con giống của các đối tượng nuôi biển.
Xây dựng các khu sản xuất thức ăn tập trung, gắn với khu dịch vụ hậu cần nghề cá và vùng nuôi biển tập trung; tiến tới chủ động sản xuất trong nước, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất giống và nuôi thương phẩm.
Xã hội hóa công tác nghiên cứu về thức ăn phục vụ nuôi biển, trong đó chú trọng việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư vào công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển.
Đồng thời, tiến hành nghiên cứu, vừa nhập công nghệ, thiết bị và công thức thức ăn cho các đối tượng nuôi để chuyển giao, nghiên cứu và từng bước làm chủ công nghệ sản xuất thức ăn phục vụ sản xuất con giống và nuôi thương phẩm.
Tổ chức đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên nghiên cứu về dinh dưỡng, thức ăn cho các đối tượng nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển để có đủ nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất.
Thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi biển có công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến, liên kết chặt chẽ với các trại nuôi biển; đảm bảo sản phẩm thức ăn có chất lượng cao và giá thành hợp lý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Trình Quốc hội kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2025
Cần chính sách công nghiệp đột phá
Lễ hội mua sắm tại Sóc Sơn: Đặc sản vùng miền và sản phẩm xanh 'lên ngôi'
Dự báo tác động từ chính sách của tân Tổng thống Mỹ đến kinh tế Việt Nam
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu