Việt Nam gặp nhiều thách thức gỡ “thẻ vàng” IUU
Ngọc Hải sút bóng vào mặt cầu thủ Thái Lan, HLV Polking nhận thẻ vàng vì nổi nóng / Mane nhận thẻ vàng nhanh nhất lịch sử Ngoại hạng Anh
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố chưa có sự quan tâm đúng mức cho chống IUU mặc dù khung pháp lý của Việt Nam về chống IUU hiện tương đối đầy đủ, thể hiện rõ được cam kết phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
Sau gần 5 năm bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng", Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức trong việc gỡ rào cản này.
Một số tỉnh, thành phố còn chậm chuyển biến trong việc góp phần gỡ “thẻ vàng” IUU như Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu.
28 tỉnh, thành phố ven biển xử lý vi phạm về chống IUU không đồng đều. Tồn tại hiện tượng tàu từ tỉnh nọ chạy sang tỉnh kia khi cập bờ. Việc không thể truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác khiến Việt Nam bị "mất điểm" trong quan điểm của EC.
Tình trạng giải ngân vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho cảng cá còn chậm, khiến nhiều cảng cá loại 1 không thể kiểm soát được sản lượng khai thác. Việc khai thác, đánh bắt cá ở kinh, vĩ độ nào, nhiều địa phương không thể xác định chính xác.
Không kiểm soát được sản lượng khai thác thì không thể truy xuất được nguồn gốc. Thậm chí, có tỉnh chỉ kiểm soát được 3% tổng sản lượng đánh bắt.
Đặc biệt, theo ông Tiến, nhiều nơi vẫn dùng hồi ký thay vì nhật ký đánh bắt: "Tôi đi từng cảng cá, lật từng cuốn số hành trình và nhận thấy, đây không phải nhật ký mà là hồi ký. Hầu hết sổ đều do vợ con ghi chép lại".
Nhấn mạnh thêm các bất cập này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng ý thức chấp hành pháp luật trong việc gỡ “thẻ vàng” IUU của người dân hiện chưa cao. Trong bối cảnh, sản lượng hải sản khai thác đạt 3,92 triệu tấn, gần chạm ngưỡng trữ lượng 3,95 triệu tấn của Việt Nam, đây là một vấn đề lớn.
Theo cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, mới có 44.339/60.419 tàu đăng ký, chiếm khoảng 73%. Một số tỉnh như Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Quảng Ninh, tỷ lệ còn thấp.
Cùng với đó, công tác triển khai hệ thống giám sát tàu cá trên biển, xử lý các hành vi khai thác IUU còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Hiện cả nước mới có 20 tỉnh tổ chức trực 24/24 giờ. Tình trạng mất kết nối VMS diễn ra phổ biến.
Luật Thủy sản 2017 nêu rõ, việc thành lập kiểm ngư địa phương thuộc thẩm quyền của tỉnh. Nhưng đến tháng 9/2022, mới có 7/28 tỉnh ven biển thành lập nhóm công tác này.
Năm 2021, Chính phủ từng đặt mục tiêu ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, 62 vụ với 85 tàu và 704 ngư dân bị bắt giữ, xử lý.
Trước thực trạng trên, phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, vào cuối tháng 10/2022, EC sẽ tới Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống IUU, cũng như đầu tư hạ tầng thuỷ sản, tình hình nuôi trồng thuỷ sản.
Đây là cơ hội để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” IUU, cũng như khẳng định những cam kết của nước ta trong việc phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
"Chúng ta cần phải nhắc nhau, rằng gỡ “thẻ vàng” IUU trước hết chính là vì đời sống của bà con. Nếu làm được, Việt Nam sẽ có thêm sức hút với đầu tư quốc tế, giúp phát triển kinh tế - xã hộ của đất nước", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh