Sóc Trăng quyết tâm gỡ “thẻ vàng” cho nghề cá Việt Nam
Tập đoàn Tata muốn đầu tư nhà máy nhiệt điện ở Sóc Trăng / Tái cơ cấu công ty thủy sản Phương Nam (Sóc Trăng)
Được xác định là một trong những lực lượng chủ chốt trong công tác đẩy lùi hoạt động khai thác hải sản trái phép, các đơn vị của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Sóc Trăng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành của các phương tiện khi ra khơi hành nghề. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong triển khai các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, tại địa phương vẫn còn một số tồn tại do nhận thức, ý thức của một bộ phận ngư dân còn hạn chế.
Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng phát tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân về các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lư Tấn Hòa- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thời gian qua, ghi nhận của lực lượng chức năng cho thấy, vẫn còn tàu cá mất tín hiệu ngoài khơi. Một số tàu cá khi hoạt động khai thác hải sản trên biển đã vi phạm vùng khai thác theo giấy phép được cấp, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu…
Bên cạnh đó, do trình độ ngư dân, lao động trên tàu cá còn thấp. Một số trường hợp chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nên việc ghi chép nhật ký khai thác hải sản trên biển, công tác đối chiếu thông tin VMS (thiết bị giám sát hành trình) khi tàu cá cập cảng để bốc dỡ thủy sản, khi tàu cá ra, vào cảng còn hạn chế. Cơ quan chức năng chủ yếu thực hiện đối chiếu với nội dung ghi trong nhật ký khai thác, hồ sơ tàu cá do ngư dân cung cấp và số liệu cung cấp từ chủ thu mua, vựa. Vì vậy, chưa bảo đảm độ tin cậy trong kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng. Bên cạnh đó, cũng tồn tại tình trạng lắp đặt thiết bị giám sát trên tàu cá chưa đảm bảo đúng lộ trình, quy định; việc thực hiện quản lý, giám sát, theo dõi hoạt động của máy giám sát hành trình trên tàu cá chưa thường xuyên.
Do đó, với vai trò là một trong những lực lượng chủ chốt trong triển khai các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp tại địa phương, thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Sóc Trăng đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị kiên quyết không để tàu cá xuất bến nếu không bảo đảm yêu cầu về hoạt động khai thác thủy sản. Đồng thời, lập hồ sơ điều tra cơ bản, phân loại rõ từng nhóm tàu cá để xác lập biện pháp quản lý chặt chẽ từ sớm trường hợp thuộc nhóm có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm vi phạm.
Đồn Biên phòng Trung Bình (BĐBP Sóc Trăng) phối hợp với các ngành chức năng đến tận hộ gia đình có tàu đánh bắt hải sản để tuyên truyền và ký cam kết không khai thác đánh bắt hải sản trên vùng biển nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ Chỉ huy BĐBP Sóc Trăng chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân trên địa bàn hiểu, nắm chắc Luật Thủy sản năm 2017, các quy định và chế tài xử phạt đối với tàu cá không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình...; cử lực lượng tham gia Tổ kiểm tra liên ngành phòng chống khai thác hải sản trái phép. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng liên quan trao đổi, kiểm tra thông tin để chủ động điều tra, xác minh, hoàn chỉnh hồ sơ tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); tham mưu cho địa phương xử lý theo quy định của pháp luật.
Anh Nguyễn Văn Đức- thuyền trưởng một tàu cá khai thác hải sản tại thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Khi được cán bộ BĐBP và các lực lượng chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chúng tôi biết được mức phạt về khai thác thủy sản trái phép rất nặng. Nếu như đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, khi bị phát hiện, cơ quan chức năng nước sở tại có thể tịch thu tàu, bắt giam thuyền viên. Nếu cơ quan chức năng của nước mình phát hiện thì có thể bị phạt tiền tới 900 triệu đồng, tước giấy phép khai thác thủy sản, tước chứng chỉ thuyền trưởng... Vì thế, quá trình đánh bắt trên biển, chúng tôi luôn chấp hành nghiêm luật pháp quốc tế và mong muốn Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam”.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong triển khai các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, tại địa phương vẫn còn xảy ra hiện tượng ngư dân vi phạm vùng khai thác theo giấy phép, mất tín hiệu khi ra khơi. Vì vậy, ngày 8/10, Bộ Chỉ huy BĐBP Sóc Trăng đã triển khai Kế hoạch số 1868 quyết tâm cùng chính quyền địa phương, lực lượng chức năng mở đợt cao điểm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Thượng tá Lê Hồng Hà- Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Sóc Trăng cho biết: “Đơn vị đã chỉ đạo các đồn, Hải đội 2 Biên phòng đóng quân trên vùng biên giới biển của tỉnh quán triệt, thực hiện nghiêm văn bản, quy định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng về nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Các đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm quy định về chống khai thác IUU. Nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp tình hình thực tế tại từng đơn vị và tuân thủ công tác phòng, chống dịch COVID-19”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo