Chính sách

Tiêu chuẩn trong RCEP thấp có khiến Việt Nam mất động lực nâng cao chất lượng hàng hóa?

DNVN - Từ góc độ thể chế, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn lại thấp. Liệu khi tham gia RCEP có làm cho Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam mất đi động lực nâng cao chất lượng hàng hóa. Còn ở góc độ thể chế, tham gia RCEP có khiến nước ta mất đi động lực cải cách hay không?

Những điểm khác giữa UKVFTA và EVFTA / Gần 2,1 tỷ USD hàng hóa xuất EU được hưởng ưu đãi thuế từ EVFTA

Những băn khoăn này đã được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo công bố báo cáo "Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 20/01/2021 tại Hà Nội.
Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được 15 nước, bao gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, ký kết hôm 15/11/2020. RCEP - với sự tham gia của 15 thành viên, sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới.
Các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định RCEP được xây dựng trên cơ sở các cam kết của Việt Nam trong WTO và các FTA giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối mà Việt Nam đã cùng ASEAN tham gia. Trong khi Hiệp định CPTPP và EVFTA là các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với phạm vi và mức độ cam kết rộng và cao hơn. Hiệp định RCEP được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước tham gia, đặc biệt là phù hợp với cả một số nước ASEAN vẫn còn là nước kém phát triển. Do vậy, Hiệp định RCEP cũng có nhiều linh hoạt cho các nước tham gia hơn.
Hiệp định RCEP cũng bao gồm một số lĩnh vực mới chưa được cam kết trong các hiệp định FTA của ASEAN trước kia như: Thương mại điện tử, chính sách cạnh tranh, mua sắm của Chính phủ, nhưng nội dung và mức độ cam kết là phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam và các nước ASEAN khác. Các nội dung này cũng đã được ta cam kết trong các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA nhưng với mức độ cao hơn.
Do vậy, mức độ cam kết của Việt Nam trong Hiệp định RCEP nhìn chung là hài hòa, có cao hơn các FTA ASEAN + hiện có nhưng thấp hơn các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia là CPTPP và EVFTA.
Phát biểu tại hội thảo sáng nay, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, RCEP là hiệp định gây nhiều bối rối nhất. Bình thường khi nói đến các FTA, đặc biệt trong giai đoạn gần đây, người ta thường nói đến hai yếu tố chính: 1 là những lợi ích thương mại và lợi ích về thể chế.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TNO)

Báo cáo của CIEM cho thấy, Việt Nam nhập siêu toàn bộ từ RCEP. Theo suy đoán, lợi ích thương mại từ RCEP mang lại là không nhiều, trong khi lo ngại về nhập siêu lại lớn. Mọi người hay nói RCEP là hiệp định có quy mô rất lớn, nhấn mạnh đến vai trò dẫn dắt của ASEAN. Nhưng nhiều ý kiến khác thì khi nói đến RCEP là nói đến nguy cơ hàng hóa Trung Quốc và các nước ASEAN tràn ngập thị trường Việt Nam.
"Từ góc độ thể chế, RCEP là FTA thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn lại thấp. Việt Nam đã tham gia các hiệp định có những tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều như CPTPP hay EVFTA. Trong RCEP có những đối tác mà không có yêu cầu cao. Liệu khi tham gia RCEP có làm cho Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam mất đi động lực tăng chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn cao? Liệu ở góc độ thể chế, Việt Nam có mất đi động lực nâng cao tiêu chuẩn của cả nền kinh tế cũng như các vấn đề phát triển bền vững hay không?", bà Trang băn khoăn.
PGS.TS. Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng CIEM cũng bày tỏ lo ngại về những tiêu chuẩn thấp khi Việt Nam tham gia RCEP.
"Do tiêu chuẩn của RCEP thấp mà Việt Nam mải mê theo RCEP thì lâu dài chúng ta sẽ phải trả giá đắt. Chúng ta đã tham gia CPTPP, EVFTA nhưng rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và vừa trình độ kém, rất nhiều người Việt Nam tầm nhìn còn hạn hẹp. Nếu cho rằng tham gia RCEP dễ dàng, cho rằng "dễ ăn" và "bập" vào thì tôi cho rằng lâu dài Việt Nam sẽ phải trả giá. Nếu cứ đi theo tiêu chuẩn thấp, tức là dễ dàng trước mắt thì lâu dài sẽ không ổn, cần phải có giải pháp để thích ứng", ông Bá bày tỏ.
Phản biện quan điểm này, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM nói: Nhận định của ông Bá cho rằng, tiêu chuẩn thấp trong RCEP về lâu dài có thể khiến Việt Nam phải trả giá đắt chưa chắc đã đúng. Theo ông Dương, vấn đề là thực hiện RCEP như thế nào để hài hòa với các FTA khác.
"Chúng tôi cũng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện RCEP không thể tách rời các FTA khác. Ai cũng biết tiêu chuẩn của CPTPP và EVFTA rất cao, theo đó yêu cầu DN phải đầu tư nhiều tiền. Như vậy, DN phải đi từ cái dễ, sau đó tích lũy vốn, kinh nghiệm, thương hiệu, mạng lưới nhà cung ứng, sau đó mới tiến tới cuộc chơi dài hơi hơn. Việc thực hiện RCEP gắn với các FTA mới là điều quan trọng", ông Dương nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm