Chính sách

Tổng cầu giảm sâu, "liều thuốc" nào để vực dậy?

DNVN - Với mức tăng GDP 3,72% trong nửa đầu năm nay, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của Chính phủ, tất cả các cấu thành của tổng cầu đều ghi nhận mức tăng trưởng chậm như đầu tư, tiêu dùng hoặc xuất khẩu giảm sâu. Điều này đòi hỏi những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

Mục tiêu GDP năm 2023 tăng 6,5%: Khó khả thi / Kiểm soát lạm phát đối mặt nhiều thách thức

Cả 3 động lực từ phía cầu đều suy yếu

Tại tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới" do Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 11/7 tại Hà Nội, các chuyên gia đã đưa ra nhiều số liệu cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam.

ThS Trần Thành Long - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020.

Dù duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD nhưng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,2% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành bình quân 6 tháng là 83,1%. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn khiến tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước, thu nội địa giảm 4,7%, trong đó thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 21,6%, thu các loại phí, lệ phí giảm 11,7%, thu tiền sử dụng đất giảm 56,8%...

Theo PGS,TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong 6 tháng đầu năm, tín dụng nền kinh tế chỉ tăng 3,13%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,51%. Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cho giai đoạn 2 năm 2022-2023, mặc dù đã qua 1 năm rưỡi nhưng số tiền đã giải ngân còn rất thấp, chưa tạo được sự hỗ trợ kịp thời cho các khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải...

PGS,TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân.

"Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên rất khó khăn trong bối cảnh những tác động từ thế giới còn khó lường, bên cạnh đó, khu vực sản xuất trong nước còn chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới", PGS,TS Nguyễn Thành Hiếu nhấn mạnh.

Theo PGS,TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế Quốc dân) đánh giá, cả 3 động lực từ phía cầu đều suy yếu. Tổng mức bán lẻ tăng tốt trong quý I nhưng chậm lại trong quý II. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2023 tăng 13,9% nhưng 6 tháng năm 2023 chỉ còn 10,9%. Tiêu dùng dự kiến sẽ tăng chậm do lãi suất cao, thu nhập và tài sản giảm.

Đầu tư công tăng khá nhưng các thành phần đầu tư khác đều yếu. Trong đó, đầu tư tư nhân tăng rất chậm do lãi suất cao, khó tiếp cận tín dụng và phát hành trái phiếu, cổ phiếu, đặc biệt là do niềm tin giảm sút. FDI ổn định nhưng khó tăng mạnh cho tới khi kinh tế thế giới và xuất khẩu phục hồi.

Xuất, nhập khẩu giảm mạnh hơn qua các quý. Xuất khẩu hàng hóa quý I giảm 10%, sang quý II giảm 14,2%. Chiều ngược lại cũng tương tự, nhập khẩu hàng hóa quý I giảm 13,6%, quý II giảm 22,3%.

"Xu hướng tiếp tục khó khăn, nhất là hàng tiêu dùng không thiết yếu và nhóm hàng liên quan đến nhà ở. Nguy cơ mất hẳn đơn hàng có thể xảy ra với doanh nghiệp", PGS,TS Phạm Thế Anh nhìn nhận.


TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Nhấn mạnh đến yếu tố tiêu dùng cuối cùng, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng cầu của nền kinh tế là bộ phận tiêu dùng cuối cùng của nhà nước và dân cư gồm có đầu tư và xuất khẩu. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tiêu dùng cuối cùng của 6 tháng đầu năm 2023 tăng 2,63% - thấp hơn mức tăng 3,56% ghi nhận trong cùng kỳ năm 2021.

"Con số này cho thấy tổng cầu trong nước suy yếu rất mạnh và đây là gợi ý cho chúng ta có chính sách kích thích. Trong tổng cầu tiêu dùng cuối cùng này chiếm đến hơn 70% là chi tiêu của hộ gia đình hay nói cách khác là gia đình chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Do đó, sắp tới muốn kích cầu trong nước phải kích cầu làm sao cho người dân đẩy mạnh chi tiêu", ông Lâm nêu.

Nhanh chóng cải cách, hỗ trợ tăng trưởng

Đề xuất các giải pháp kích cầu Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân Phạm Thế Anh đưa ra ba giải pháp chính.

Thứ nhất, khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua tiếp tục hạ lãi suất cho vay nhằm giảm chi phí vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán, kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản. Sử dụng tín dụng thuế đầu tư ngắn hạn. Tuy nhiên, lưu ý cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10%, tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập.

Thứ hai, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công. Trong đó, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải. Phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực. Bổ sung, xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội.

Thứ ba, kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc, nâng mức thu nhập chịu thuế, áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng với hàng thiết yếu.

"Ưu điểm của kích thích tiêu dùng này là đạt hai mục tiêu an sinh xã hội và kích cầu. Hiệu quả do xu hướng tiêu dùng tăng cao vừa là chính sách tạm thời vừa lâu dài, ít tác động phụ", chuyên gia Phạm Thế Anh khẳng định.


Cần giải pháp tổng thể để vực dậy tổng cầu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.

Đưa ra khuyến nghị để vượt khó và tăng trưởng, bà Dorsati Madani - Chuyên gia Kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, cải cách để hỗ trợ tăng trưởng trong trung hạn và củng cố niềm tin vào cải cách.

Theo đó, cần tăng đầu tư công theo kế hoạch, bao gồm gói hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện quy trình thủ tục đầu tư và việc xác định mục tiêu và chất lượng thực hiện cũng là vấn đề Việt Nam cần tính toán.

Tuy vậy, giải pháp cho đầu tư công không đủ, Chính phủ cần hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi cú sốc liên quan đến suy giảm kinh tế toàn cầu.

Việt Nam cần nhanh chóng cải cách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong trung hạn. Những biện pháp ứng phó khủng hoảng hiện nay của Việt Nam đã đáp ứng các điều kiện nhưng có thể làm được nhiều hơn nữa.

Đặc biệt, Việt Nam cần cải cách cơ cấu trong trung hạn như củng cố hệ số an toàn vốn của ngân hàng. Tăng cường khung pháp lý về xử lý ngân hàng yếu kém. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết các hạn chế mang tính cơ cấu.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm