Chính sách

Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách phát triển nhà ở xã hội

DNVN - Để thúc đẩy Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để phát triển nhà ở xã hội.

Quỹ Đầu tư phát triển Đà Nẵng cho vay ưu đãi xây nhà ở xã hội / Vì sao gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội vẫn chưa giải ngân như kỳ vọng?

Theo ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, năm 2023, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp” (Đề án) trình Ban Bí thư tại Tờ trình ngày 22/01/2024. Trong đó, đề xuất Ban Bí thư ban hành Chỉ thị của Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, lực lượng vũ trang nhân dân và người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị trong tình hình mới”.

Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, Đề án đã đạt được những kết quả tích cực. Kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và sự ủng hộ, đồng hành của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan liên quan.

Tuy nhiên, công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn những hạn chế. Việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với quá trình thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa của đất nước và từng địa phương. Sự lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có nơi chưa kịp thời, kiên quyết.

Công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế.

Một số nơi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác phát triển nhà ở xã hội. Chưa thực sự chú trọng ưu tiên bố trí quỹ đất và nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, hệ thống các cơ chế, chính sách và pháp luật về nhà ở xã hội chậm được đổi mới, chưa thực sự bảo đảm yêu cầu về đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Còn thiếu những cơ chế, chính sách đột phá để thu hút nguồn lực ngoài Nhà nước cho phát triển nhà ở xã hội.

Thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng, mua bán kinh doanh đối với dự án nhà ở xã hội, tiếp cận các chương trình hỗ trợ mua bán nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế và bất cập. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa thực sự chặt chẽ, còn thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả.

“Việc ưu tiên bố trí nguồn lực của Nhà nước để thực thi các chương trình, dự án, đề án còn nhiều bất cập, hạn chế. Nhiều quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa thực sự quan tâm đến yêu cầu phát triển nhà ở xã hội”, ông Hiển cho biết.

Trong thời gian tới, để mở rộng và nâng cao chất lượng công tác xây dựng nhà ở xã hội, ông Hiển nhấn mạnh, Đề án trình Ban Bí thư đã đề xuất các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đó là, coi phát triển nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển nhà ở quốc gia; góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển cân đối, bền vững thị trường bất động sản.

Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển mới. Trọng tâm là đẩy nhanh xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Phát triển nhà ở xã hội chủ yếu theo mô hình dự án có vị trí, quy mô lớn gắn với khu vực tập trung nhiều đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội. Bảo đảm quyền và ưu đãi thực chất đối với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; thu hút và khuyến khích chủ đầu tư cả trong nước và nước ngoài.

Cùng với đó, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội. Tập trung ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước từ Trung ương và địa phương tương xứng, kịp thời để bảo đảm thực hiện các mục tiêu về nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các địa phương sử dụng một phần tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở, hạ tầng kỹ thuật khung cho các dự án nhà ở xã hội tại địa phương.

Mở rộng nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội từ quỹ đầu tư phát triển địa phương, nguồn vốn từ nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội. Nghiên cứu, thúc đẩy hình thành các định chế tài chính để phát triển nhà ở xã hội.

Ngoài ra, cần nâng cao vai trò, năng lực quản lý Nhà nước đối với phát triển nhà ở xã hội. Đôn đốc các chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại triển khai đầu tư xây dựng trên quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt.

Cần nghiên cứu, hình thành mô hình doanh nghiệp Nhà nước chuyên về đầu tư, phát triển nhà ở xã hội. Đẩy nhanh hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm