Chính sách

Xây dựng thuế tối thiểu toàn cầu: Bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư

DNVN - Theo GS,TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, xây dựng thuế tối thiểu toàn cầu phải bảo đảm hài hòa lợi ích của cả quốc gia lẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của Việt Nam.

Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội trong thách thức / Khẩn trương thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu

GS,TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, một trong những lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là việc Việt Nam đang hoàn thiện thuế tối thiểu toàn cầu theo khởi xướng của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có doanh thu trừ 750 triệu Euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù ở bất kỳ quốc gia nào.

Đây là loại thuế đánh vào các doanh nghiệp lớn, các công ty đa quốc gia có doanh thu lớn nhưng lại đầu tư vào các nước có mức thuế suất thấp, hoặc các “thiên đường thuế” nhằm trốn thuế và có nguy hại về cạnh tranh không lành mạnh.

“Áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ “đánh” đúng túi tiền của các doanh nghiệp, nên chẳng “ông lớn” nào muốn cả. Nhưng Việt Nam bắt buộc phải hoàn thiện thuế này vì đây không chỉ là lợi ích quốc gia, mà còn có trách nhiệm quốc tế trong việc chống rửa tiền, trốn thuế.

Nếu Việt Nam chậm thi hành thuế tối thiểu toàn cầu có thể khiến chúng ta mất khoảng vài tỷ USD tiền thuế, đây là thiệt hại về mặt tài chính”, ông Mại nhấn mạnh.

Nếu Việt Nam chậm thi hành thuế tối thiểu toàn cầu có thể mất vài tỷ USD tiền thuế.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, việc xây dựng thuế tối thiểu toàn cầu thế nào để hài hòa lợi ích của cả Việt Nam lẫn các nhà đầu tư nước ngoài là vấn đề không dễ. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của Việt Nam.

Trước mắt, Việt Nam phải sửa đổi, điều chỉnh khá nhiều luật, thông tư, nghị định đề phù hợp với thuế tối thiểu toàn cầu. Bởi vì, thuế tối thiểu toàn cầu hiện nay là quy định chung, các quốc gia sẽ có những điều kiện, quy định khác nhau, nên phải sửa luật để tạo ra tính thống nhất.

Khi đã có hệ thống luật pháp, các cơ quan chức năng của Việt Nam phải thương lượng, đàm phán với từng doanh nghiệp FDI chịu thuế, để tìm được tiếng nói chung. Trong quá trình đàm phán, chúng ta có thể đưa ra các chính sách, cơ chế riêng để cân bằng với khoản thuế họ phải đóng.

“Nếu chúng ta làm được và hài hòa được lợi ích, chắn chắn môi trường đầu tư sẽ được cải thiện. Do đó, chúng ta không cần quá lo ngại việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm giảm sức cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam”, ông Mại khẳng định.

Trước đó, bàn về thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam, ông Mại đề xuất thành lập tổ công tác đặc nhiệm về thuế tối thiểu toàn cầu do một Phó Thủ tướng đứng đầu. Tổ công tác này có nhiệm vụ nghiên cứu toàn diện quy định của các tổ chức quốc tế, các quốc gia có doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chịu tác động của cơ chế này.

Đồng thời, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước đang phát triển, thu thập thông tin về sản xuất, kinh doanh của các công ty xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam để tính toán lợi ích và thiệt hại khi áp dụng cơ chế này. Từ đó, làm căn cứ để đưa ra quyết định phù hợp, đề ra giải pháp đồng bộ khi nước ta tham gia thuế tối thiểu toàn cầu.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm