Quốc tế

Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội trong thách thức

Trước bối cảnh Việt Nam coi thuế là lợi thế thu hút đầu tư, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ là thách thức, nhưng cũng có cơ hội khi thu về tối thiểu 12.000 tỷ đồng/năm.

Lựu pháo 152mm của Nga phản pháo vào đội hình Ukraine / Súng cối liên thanh của Nga nhả đạn liên hồi vào mục tiêu Ukraine

Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Hiện 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào.

Hiện nay, hơn 1.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu ngay trong từ năm 2024.

Ngày 18/4, Bộ Tài chính cùng 200 đại biểu chia sẻ những giải pháp phù hợp cho Việt Nam, nhằm giảm thiểu các tác động bất lợi khi thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi cũng như duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Tại Hội thảo khoa học "Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu", nhiều ý kiến cho rằng việc đánh thuế tối thiểu toàn cầu là tất yếu nhưng cần lưu ý đến việc xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để ổn định đầu tư. Một số ý kiến khác cho rằng Chính phủ Việt Nam cần đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề như: bao nhiêu thuế bổ sung sẽ thu thêm được dùng để hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nào sẽ được hưởng ưu đãi này, cũng như mức hỗ trợ tính toán trên cơ sở chi phí nào và mức bao nhiêu là phù hợp.

Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội trong thách thức - Ảnh 1.

Bên cạnh những thách thức, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được coi là thời cơ để Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Nếu Việt Nam nội luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu thì chúng ta sẽ dành phần thuế thu thêm đó để phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ giúp doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị của chính các tập đoàn đa quốc gia đó.

Đến nay, hầu hết các quốc gia thuộc liên minh châu Âu như Thụy Sĩ, Anh. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Hong Kong (Trung Quốc), Australia xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024.

Việt Nam là nước chủ yếu tiếp nhận đầu tư nên trong bối cảnh này, chúng ta đang phải cân nhắc để có thể chủ động giành quyền đánh thuế và tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

Theo số liệu mới nhất, hiện Việt Nam có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp, trong đó thường là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron...

 

Với mức thuế suất thuế thu nhập bình quân áp dụng cho các doanh nghiệp đa quốc gia hiện ở quanh ngưỡng 12,3%, thậm chí là từ 2,75 - 5,95%, thấp hơn nhiều quy định chung cho thấy Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế như một giải pháp để thu hút đầu tư nước ngoài.

Tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này hiện đang chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD). Đây là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu Việt Nam không có những giải pháp ứng phó kịp thời, lợi ích mang lại từ chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà dự án được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn, từ đó ảnh hưởng đến tính hấp dẫn dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút FDI và ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án.

"Cần sớm nội luật hóa thuế này để giảm ảnh hưởng đến các công ty đã đầu tư vào Việt Nam, cũng như tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư lớn đang có ý định đầu tư vào Việt Nam", ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, đề xuất.

"Điều họ quan tâm là trả phần thuế đó ở quốc gia nơi đặt công ty mẹ hay tại nơi họ đang hoạt động. Việt Nam nếu chậm triển khai không chỉ bị mất khoản chênh lệch này, mà cùng với đó là lợi thế cạnh tranh cũng bị ảnh hưởng. Trước mắt cần sớm tính toán và triển khai thuế tối thiểu nội địa để giành quyền thu thuế trước", ông Robert King, Lãnh đạo Dịch vụ thuế khu vực Đông Dương, EY Việt Nam, nhận định.

Bên cạnh những thách thức, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được coi là thời cơ để Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Khi đó, mô hình kinh tế truyền thống sẽ chuyển sang kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững. Môi trường kinh doanh ổn định, khu vực kinh tế FDI sẽ đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế. Việc thu hút đầu tư sẽ dịch chuyển từ việc ưu đãi thuế sang việc tăng cường pháp luật bảo vệ, thúc đẩy lao động chất lượng cao, hỗ trợ cơ sở hạ tầng tốt, chính sách hải quan tốt. Những nhà đầu tư lớn được ví như những chú đại bàng của nền kinh tế. Việt Nam cần thúc đẩy nhanh lộ trình giữ chân "đại bàng" khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm