Chủ tịch Quốc hội: Việc chậm di dời các cơ sở theo Quyết định 130 là trách nhiệm của các bộ ngành
DNVN - Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tình trạng di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan trong khu vực nội thành Hà Nội chưa thực hiện nghiêm theo Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ là trách nhiệm của Bộ Xây dựng.
Giải ngân vốn đầu tư chậm: Vướng mắc từ cơ chế, chính sách / Vay vốn kinh doanh bất động sản trên địa bàn nông thôn
Trong phiên chất vấn chiều 04/6 và sáng 05/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trả lời nhiều câu hỏi của Đại biểu Quốc hội liên quan đến những tồn tại, hạn chế của ngành xây dựng, trong đó có vấn đề di dời các cơ sở theo Quyết định 130 và bàn giao quỹ đất sau di dời cho Hà Nội bị chậm...
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) đặt câu hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và ngành đối với tình trạng di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan trong khu vực nội thành Hà Nội chưa thực hiện nghiêm theo Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ, tiến độ di dời chậm, quỹ đất sau khi di dời được bàn giao cho thành phố Hà Nội để quản lý theo quy hoạch.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, y tế, đào tạo dạy nghề ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội đã được quy định tại Luật Thủ đô và quy định tại quy hoạch chung của thành phố Hà Nội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn. (Ảnh: VPQH)
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 130 ngày 23/01/2005 về thực hiện một số biện pháp và lộ trình di dời việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời, sản xuất công nghiệp. Trong quyết định này có một số trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành.
Ví dụ, thành phố Hà Nội có trách nhiệm lập danh mục, xác định tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra ngoài nội thành, trình Thủ tướng Chính phủ tổ chức lập, phê duyệt đồ án quy hoạch có liên quan làm căn cứ cho việc sử dụng quy hoạch sau khi di dời và xác định bố trí quỹ đất để phục vụ công tác di dời, đề xuất chính sách phù hợp để khuyến khích thực hiện việc khai thác, sử dụng quỹ đất, tạo nguồn vốn cho các cơ sở di dời.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm lập danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các trụ sở cơ quan hiện nay đang đóng trên địa bàn Hà Nội.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận: Tình hình hiện nay rất chậm, mặc dù Hà Nội đã bố trí một số các khu vực địa điểm và một số danh mục thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phải di dời. Tuy nhiên, công tác thực hiện còn rất chậm, bệnh viện đã có một số di dời đến địa điểm mới như Bệnh viên ung thư 2 cơ sở của Bệnh viện Nội tiết trung ương, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức.
"Di dời các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa hoàn thành điểm để lập cơ sở, danh mục tiêu chí để di dời các cơ sở đào tạo và dạy nghề", người đứng đầu Bộ Xây dựng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, hiện nay việc di dời các trụ sở của bộ, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề án phê duyệt quy hoạch di dời trụ sở, trong đó có đề cập các vấn đề về địa điểm, số lượng trụ sở di dời, các nguồn lực để thực hiện trụ sở này.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: "Tóm lại việc này rất chậm là trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành. Đề nghị Bộ trưởng sau phiên chất vấn này phải ngồi lại với các bộ đánh giá vì sao chậm, giải pháp sắp tới".
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng cần bố trí nguồn lực để chuyển các cơ sở sản xuất ô nhiễm, cơ quan đông người ra khỏi trung tâm và thành phố. Đây là vấn đề rất khó vì cần đến nguồn lực rất lớn. Thay vào đó là việc sử dụng cho các cơ sở dịch vụ và không gian công cộng.
Đề cập đến giải pháp trong dài hạn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Về dài hạn thì phải xây dựng chiến lược phát triển đô thị quốc gia và từng bước xây dựng các đô thị vùng, đô thị của mỗi địa phương có hệ thống hạ tầng đồng bộ, gắn với việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, để tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, từ đó giữ chân những người dân ở lại những khu vực này và giảm áp lực dân số về các đô thị lớn.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo