Chủ tịch VINASME: “Tổng Bí thư nói cái “chốt” củng cố niềm tin rồi, còn băn khoăn do dự gì nữa?”
“Quan điểm về vai trò của kinh tế tư nhân là đúng đắn, Chính phủ cũng “đề-pa” rồi, cứ than vãn phiền hà mãi, không đúng đâu. Tình hình hiện tại, trên đã nóng, dưới đã nóng, chỉ có khúc giữa vẫn lạnh thì ta thúc các cơ quan trung gian vận động thôi...” – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VINASME) Nguyễn Văn Thân nói.
Việt Nam nhập hơn 800.000 tấn xăng dầu trong tháng 4 / Hà Nội tăng nợ đọng bảo hiểm xã hội
- Phát biểu “đừng kỳ thị kinh tế tư nhân” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vừa qua làm cho dư luận nói chung, cộng đồng doanh nghiệp (DN) tư nhân nói riêng rất hào hứng, khích lệ. Đại diện cho cộng đồng DN dân doanh, ông đón nhận thông điệp nêu ra với tâm thế nào?
- Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, người đại diện cho Đảng, Nhà nước đúng là điểm “chốt” nhưng thực ra, qua các nghị quyết của TƯ, các luật từ phía Quốc hội xây dựng để hỗ trợ DN những năm qua đã có thể xác định rõ quan điểm, kinh tế tư nhân là động lực để phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Sự nhấn mạnh thêm của Tổng Bí thư, với ý nghĩa khi người đứng đầu đã nói vậy, sự hồ hởi, tâm thế dấn thân sẽ còn lớn hơn.
- Từ “kỳ thị” được thốt ra có khiến những người làm DN tư nhân tâm tư?
- Sự kỳ thị thì thực sự trước đây rất rõ, người ta còn quan niệm DN chúng tôi là những thành phần không tốt, là chạy chọt, móc ngoặc, là buôn lậu bán gian, là lối sống thực dụng, lạnh lùng, người ta gọi chúng tôi là “con buôn”. Nhưng giờ thì không còn quan tư tưởng đó nữa. Xã hội đã rất đề cao cộng đồng DN.
Mà rõ ràng vai trò của DN tư nhân giờ đã thể hiện rõ ràng. Từ DN lớn, các tập đoàn mạnh, rồi tới DN nhỏ và vừa đều tập trung làm ăn và trong những thành quả đạt được của đất nước, tỷ trọng đóng góp của DN tư nhân ngày càng lớn. Vậy nên giờ người nào còn tư tưởng kỳ thị thì là quá lạc hậu. Tổng Bí thư nói thế là có ý nhắc những người còn tư tưởng đó cần phải thay đổi.
- Có ý kiến cho rằng sự kỳ thị biểu hiện ở sự bất bình đẳng khi khu vực kinh tế nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài nhận được rất nhiều ưu đãi, được tiếp cận những nguồn lực lớn trong khi DN dân doanh thì đều phải tự bươn chải, thậm chí còn bị “hành”?
- Đó không hẳn là kỳ thị. Thực tế, trong hành xử nói chung của các cơ quan có liên quan đến DN đúng là sự ưu ái với những DNNN vẫn còn mức độ nhất định vì đó được coi là “con đẻ” của nhà nước. Và cái đó gọi là đối xử không bình đẳng thì đúng hơn. Nhưng khoảng cách không bình đẳng đó cũng đang nhỏ dần đi và chắc chắn sẽ dẫn tới việc phải xoá bỏ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân trao đổi bên lề Quốc hội.
Về bản chất, DNNN được xác định là người đại diện cho vốn nhà nước còn DN tư nhân là đại diện cho vốn của cá nhân, gia đình, cùng đều với mục đích hoạt động để làm ra của cải vật chất, làm ra lợi nhuận và lợi nhuận đó để đóng thuế, thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước. DNNN phải thu tiền về cho nhà nước khi nhà nước đã trả lương thuê anh làm thì DNNN cũng phải thu về phần vốn mình đã bỏ ra, còn để có được môi trường hoạt động, người ta phải đóng thuế cho nhà nước, đóng bảo hiểm cho cán bộ công nhân, đóng thuế lợi tức, thuế thu nhập DN… Đó là những cái người ta phải trả lại cho xã hội. Như vậy thì cơ chế về quyền và nghĩa vụ là bình đẳng.
- Nói về chủ trương bình đẳng giữa các thành phần kinh tế để huy động được cùng lúc nhiều nguồn lực khác nhau phục vụ việc phát triển kinh tế, đất nước đã được đề ra rất lâu nhưng quá trình triển khai có không ít sóng gió khiến DN nhiều phen “ngậm đắng nuốt cay"… Những khó khăn trong giai đoạn vừa qua có làm chùn bước, nhụt nhiệt huyết của cộng đồng DN tư nhân?
- Cái đó là do cơ chế của mình chưa chặt chẽ và có cả chuyện lợi ích nhóm ở đây, khiến cho người đi trước làm sai, người đi sau phải sửa. Vấn đề đó thì bất cứ xã hội nào cũng phải chấp nhận trong quá trình phát triển từ nền kinh tế còn nhỏ lên lớn. Chính quyền nếu mạnh thì sẽ giải quyết được vấn đè sớm.
Ví dụ, những lùm xùm về BOT vừa qua, sau khi soi lại thấy sai thì nhà nước phải sửa. Vậy nên từ kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIV tới nay là kỳ họp thứ 7 đều tập trung sửa luật, các quy định để có thể vận hành êm thuận trong quá trình hội nhập.
Vậy nên đừng buồn về những việc như vậy. Sự cố trúng vào DN nào thì đúng là đơn vị đó rất mệt mỏi chứ không phải không nhưng xét chung xã hội, muốn tiến lên thì phải trải qua việc như thế, không khác được.
- Có vẻ như ông rất lạc quan nhưng bầu không khí chung trong cộng đồng DN dân doanh của ông thì sao? Thông điệp Tổng Bí thư đưa ra lần này có giúp củng cố được niềm tin của các nhà đầu tư tư nhân để họ tiếp tục vững tâm cùng tham gia cuộc chơi với nhà nước?
- Sự khích lệ, động viên là tốt quá ấy chứ vì khi người lãnh đạo đứng đầu Đảng, Nhà nước đứng ra nói như vậy, nguời ta sẽ yên tâm hơn nhiều. Những động thái đó rất được trông đợi, giống như việc Quốc hội thảo luận các dự luật, các chính sách, cộng đồng DN cũng đều hướng tới, theo dõi để xem nhà nước đang đi thế nào, đang quan tâm tới DN tư nhân đến đâu. Vậy nên việc Tổng Bí thư lên tiếng khiến không khí phấn khích, hào hứng hơn hẳn.
- Nói như vậy nhưng những việc phải làm hẳn vẫn còn rất ngổn ngang. Từng có nhiều ý kiến phân tích, môi trường, chính sách chưa hẳn tạo được sự yên tâm nên tâm lý chung trong cộng đồng DN vẫn khá… rón rén, vừa làm vừa nghe ngóng, ít DN có cơ hội tích luỹ lâu bền để trở nên lớn mạnh mà hay “bán lúa non”, tạo dựng được chỗ đứng đôi chút là sẽ tính bán vốn, cổ phần cho chắc ăn?
- Đó là cách tư duy, không phải chỉ có ở DN Việt mà DN nước ngoài cũng vậy thôi. Tôi xin nói là mức độ “xông pha” làm DN người Việt chúng ta còn lớn hơn, dũng cảm hơn nhiều nước. Tính khát khao khởi nghiệp, khát khao làm giàu, khát khao đổi đời của người trẻ lớn hơn thanh niên nước ngoài nhiều vì ở các nước phát triển, mức lương cao thì làm công ăn lương cuộc sống cũng ổn, ít động lực phải tính toán làm ăn hơn.
Vậy nên nếu phát huy, khai thác được tiềm năng các start-up Việt thì rất tốt. Vấn đề là từ những start up đó để xây dựng được nên những công ty lớn, những tập đoàn mạnh không phải đơn giản. Tôi cho rằng quá trình tích luỹ của minh là nhanh chứ ko phải chậm đâu.
Còn việc để DN ngoại thâu tóm, mua cổ phần, gom “lúa non”… là vì người ta nhìn thấy rõ và hiểu là lĩnh vực đó người nước ngoài đã có rất nhiều kinh nghiệm, bán cổ phần ra nước ngoài là để lựa chọn công nghệ tốt hơn, vấn đề là chọn đối tác nào thôi. Xu hướng đó nên khuyến khích.
- Nhưng nếu thế, làm sao để Việt Nam cũng có được những “người khổng lồ” như Huyndai, Samsung, Honda… để tự chủ được nền kinh tế đất nước?
- Việc đó không thể dùng ý chí của Chính phủ làm được mà chỉ bằng sự kiến tạo. Phải tạo được chỗ đứng thì DN mới nhảy vào được và sau đó thì cũng không phải “ông” nào cũng làm được mà cuộc cạnh tranh sẽ lọc lại được những người có năng lực thực sự. Chính sách có chính là cú “đề-pa”, còn phát triển được không thì chính phải bằng năng lực nội tại của các DN tư nhân.
Nói chung quan điểm của Đảng, Nhà nước rất đúng rồi, cứ than mãi là còn phiền hà thì không đúng đâu. Tình hình hiện tại, theo tôi, là trên đã nóng, dưới đã nóng, chỉ có khúc giữa vẫn lạnh. Phải thúc các cơ quan trung gian vận động theo chứ DN tư doanh đã hào hứng lắm, sôi nổi lắm. Việc Tổng Bí thư nói là cái “chốt” để củng cố niềm tin rồi, còn băn khoăn gì, do dự gì nữa.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Dân trí
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo