Chưa có chính sách mạnh để khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp
DNVN - Đây là một trong nhiều ý kiến được các Đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 21/5 sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề xuất lựa chọn phương án ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.
Hiệp hội ngân hàng kiến nghị không truy thu thuế GTGT với thư tín dụng L/C / EVFTA sẽ giúp hàng triệu người Việt thoát nghèo
Về phạm vi điều chỉnh và quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo luật hay không, đa số ý kiến thống nhất là cần tạo điều kiện pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh. Song, nhiều ý kiến đề nghị là đối tượng hộ kinh doanh nên có một luật điều chỉnh riêng và không nên quy định tại luật này. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến là nên quy định ngay thành một chương trong dự án luật.
Cần thiết phải nâng việc quản lý hộ kinh doanh lên thành luật
Ông Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật là vấn đề lớn, bởi đối tượng điều chỉnh có số lượng hộ kinh doanh nhiều gấp 5 đến 6 lần số lượng doanh nghiệp. Mặt khác, về bản chất hoạt động, cách thức và quy mô của hộ kinh doanh rất khác so với doanh nghiệp.
"Tôi cho rằng không nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp. Bởi so với các chủ thể khác của luật thì hộ kinh doanh có quy mô kinh doanh hạn chế, hoạt động trong phạm vi ngành, nghề kinh doanh nhỏ bé. Việc luật hóa hộ kinh doanh chưa rõ sẽ quản lý theo phương thức nào có thể gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hàng triệu hộ kinh doanh hiện tại", Đại biểu đoàn Vĩnh Phúc nói.
Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét chưa nhất thiết can thiệp, đưa hình thức kinh doanh của hộ gia đình vào dự án Luật Doanh nghiệp. Hộ kinh doanh nên được xem xét ban hành thành luật riêng, luật về hộ kinh doanh.
Đồng quan điểm rằng việc cần thiết phải nâng việc quản lý hộ kinh doanh lên thành luật để hộ kinh doanh có địa vị pháp lý cao hơn, ông Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã dẫn chứng số liệu: với trên năm triệu hộ kinh doanh, trong đó trên 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế, trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, ước tính tổng tài sản 655.000 tỷ nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7.945 triệu lao động, tạo ra 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, tỷ lệ 13% doanh thu của các loại hình doanh nghiệp chiếm khoảng 30% GDP.
Theo ông Dương Minh Tuấn, đa số hộ kinh doanh hoạt động theo kiểu truyền thống gia đình, quy mô nhỏ nên cần có luật phù hợp để điều chỉnh, tách hộ kinh doanh thành luật riêng để quản lý sẽ chặt chẽ hơn. Việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ không bao hàm hết nội dung hướng dẫn riêng để quản lý.
Trong khi đó, Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đánh giá, dự thảo vẫn chưa đưa ra được nhiều những chính sách, những quy định để hướng tới sự cởi mở, thuận lợi hơn trong quản lý đối với hộ kinh doanh, tạo bình đẳng hơn giữa hộ với doanh nghiệp như xã hội đang kỳ vọng.
"Chưa có chính sách mạnh để khuyến khích chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Những quy định, những chính sách hiện hành, nhất là về thuế, kế toán, đất đai, lao động vẫn khiến hộ kinh doanh ngần ngại khi chuyển đổi từ mô hình hộ cá thể sang mô hình doanh nghiệp. Tôi đề nghị luật và sau này là nghị định cần quan tâm, quyết định tiếp tục hoàn thiện theo hướng này", Đại biểu đoàn Bắc Giang nhấn mạnh.
Cho ý kiến về quy định hộ kinh doanh, ông Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề cập đến số lượng người lao động của hộ kinh doanh. Theo đại biểu này, quy định hộ kinh doanh có người lao động dưới 10 lao động là quá rộng. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân có lao động từ 5 người trở lên là có thể thành lập doanh nghiệp được rồi.
"Nên chăng cần phải quy định lại hộ kinh doanh có lao động ít hơn như hiện nay, như vậy sẽ giảm đáng kể hộ kinh doanh không còn quá nhiều, rất khó quản lý, vì những đối tượng này cho rằng thành lập doanh nghiệp phải kê khai thuế, lập sổ sách kế toán, tăng chi phí hoạt động kinh doanh không dễ dàng như thuế khoán của hộ kinh doanh. Cho nên cần điều chỉnh lại, lao động của hộ kinh doanh sẽ giảm đáng kể hộ kinh doanh trong cả nước", ông Phạm Văn Hòa đề xuất.
Cũng theo ông Phạm Văn Hòa, thực tế đã có không ít hộ sản xuất kinh doanh quy mô rất lớn, không thua kém doanh nghiệp vừa mà vẫn đăng ký là hộ kinh doanh. Điều này không hợp lý, cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp khi cùng một loại hình sản xuất kinh doanh, quy mô như nhau. Do đó, đại biểu kiến nghị "nên chăng điều chỉnh hộ kinh doanh có quy mô lao động từ 5 người trở xuống là sẽ hợp lý".
Đề nghị Quốc hội cân nhắc khi đưa hộ kinh doanh vào Luật DN
Trong khi đó, theo Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Thái Bình, không nên xây dựng một bộ luật về hộ kinh doanh. Theo ông Vũ Tiến Lộc, nếu thực hiện phương án này thì Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có luật về hộ kinh doanh, khác với thông lệ quốc tế sẽ rất khó cho hộ kinh doanh hoạt động, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập. Bộ luật Dân sự đã xóa bỏ tư cách chủ thể của hộ kinh doanh.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc - Đoàn Thái Bình. (Ảnh: VPQH)
"Nếu không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thì Chính phủ không thể nào có hướng dẫn về đăng ký hộ kinh doanh được, bởi vì điều này trái với Luật Dân sự. Nếu chờ đợi hộ kinh doanh được xác lập vị trí pháp lý của mình trong bộ luật riêng thì với chương trình xây dựng pháp luật dày đặc của Quốc hội như thế này ít nhất phải 2-3 năm chúng ta mới có thể ra được bộ luật này. Trong thời gian 2-3 năm nữa thì hàng triệu hộ kinh doanh sẽ trông cậy vào đâu, không có cơ sở pháp lý để bảo vệ họ, điều chỉnh hoạt động của họ, bởi vì Luật Dân sự đã bác tư cách chủ thể của họ rồi. Đây là vấn đề tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc khi quyết định đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp", Đại biểu đoàn Thái Bình nêu ý kiến và kiến nghị.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu: Chúng ta đều khẳng định sự cần thiết là phải luật hóa tất cả các quy định về hộ kinh doanh. Ở đây chỉ có một vấn đề khác nhau là chúng ta có đưa ngay vào Luật Doanh nghiệp này hay là chờ làm một luật cho hộ kinh doanh riêng.
"Chúng tôi cho rằng ý kiến nào cũng có lý. Nếu chúng ta xây dựng một Luật Hộ kinh doanh mới, chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian, ít nhất có lẽ cũng phải 3 năm nữa chúng ta mới xây dựng được. Chúng tôi cho rằng những gì mà có lợi chúng ta có thể làm ngay, bởi vì làm cái này chỉ có lợi cho hộ kinh doanh chứ không có hại gì cả.
Sau này chúng ta hoàn toàn thống nhất với các đại biểu nêu là phải có một luật riêng là đúng rồi. Nhưng khi nào chúng ta làm được luật riêng thì chúng ta chuyển toàn bộ phần quy định của hộ kinh doanh sang luật mới là xong, nó vẫn nối tiếp, kế thừa, nhưng trước mắt chúng ta sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ hoạt động một cách tốt nhất cho nền kinh tế, đóng góp được nhiều nhất, hỗ trợ cho người ta được nhiều nhất", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư phát biểu.
Đánh giá chung về ý kiến thảo luận của các Đại biểu Quốc hội về quy định đối tượng hộ kinh doanh và dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: Đa số ý kiến thống nhất là cần tạo điều kiện pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh. Song, nhiều ý kiến đề nghị là đối tượng hộ kinh doanh nên có một luật điều chỉnh riêng và không nên quy định tại luật này. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến là nên quy định ngay thành một chương trong dự án luật này. Đoàn Chủ tịch thấy còn nhiều ý kiến khác nhau, cho nên xin cho phép sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thông qua hệ thống điện tử đối với 2 loại ý kiến này.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo