Thị trường

Chưa hết lo hàng xuất khẩu bị áp thuế

Việc cơ quan thương mại của Mỹ chưa đề xuất Chính phủ nước này áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là thông tin vui cho nhiều ngành hàng XK. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để Việt Nam xử lý tận gốc vấn đề gian lận xuất xứ, giả mạo hàng Việt để né thuế xuất khẩu.

Lốp xe ô tô xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá vào Hoa Kỳ / Khi thị trường chứng khoán trong 'cơn say'

Báo cáo mới đây của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) về vấn đề định giá thấp tiền tệ trong khuôn khổ vụ việc điều tra theo Điều 301 Đạo Luật Thương mại đã không đề cập hoặc đề xuất việc Chính phủ Mỹáp thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam.

Được 'trắng án' vẫn chưa hết lo

Cùng với kết luận sơ bộ mang tính khả quan trong vụ việc lốp xe, việc không khuyến nghị biện pháp hạn chế thương mại trong báo cáo mới đây của USTR có thể coi là thành công đáng kể của Việt Nam khi phải giải trình vấn đề rất mới, có tính chất hệ thống và rất quan trọng trong thương mại nói riêng và quan hệ hai nước nói chung.

XK-tom-cung-dinh-kien-9864-1610951867.jp

Không chỉ tôm mà nhiều mặt hàng có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam đang rơi vào tầm ngắm điều tra của các thị trường lớn.

Đây là kết quả rất tích cực, phản ánh quá trình đấu tranh lâu dài, toàn diện, thể hiện vai trò chủ động của các cơ quan chủ trì, đầu mối xử lý như Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thận trọng hơn thấy rằng Mỹ chưa áp thuế không có nghĩa là các thị trường khác cũng sẽ không "luận tội" hàng Việt để trừng phạt thuế, nhất là đối với các thị trường lớn như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... Đặc biệt, nếu trước đây chỉ có thép, tôm, cá tra, thì giờ đây nhiều mặt hàng đang XK chủ lực của Việt Nam như gỗ, thủy sản đã rơi vào tầm ngắm của nhiều nước.

Đơn cử như trường hợp của ngành gỗ, ngoài đối mặt với vụ kiện của Mỹ, sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng đang bị Hàn Quốc cáo buộc bán phá giá. Theo đánh giá của ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chưa bao giờ trong lịch sử phát triển của ngành, các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ lại có nhiều đơn hàng từ các đối tác nước ngoài như bây giờ.

Căng thẳng Mỹ - Trung một mặt tạo ra cơ hội vàng cho các DN Việt nhằm thay thế các mặt hàng gỗ của Trung Quốc tại Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng làm phát sinh các rủi ro về gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ, đầu tư núp bóng từ một số DN Trung Quốc hiện đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo các DN trong ngành gỗ, hiện đang có làn sóng đầu tư đặc biệt với nguồn vốn từ Trung Quốc vào các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước. Do vậy, DN kiến nghị việc cấp phép đầu tư nên xem xét kỹ, ưu tiên sử dụng công nghệ cao theo tinh thần của Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng đầu tư FDI. Công nghệ trong các dự án đầu tư mới vào ngành gỗ cần được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thẩm định.

 

"Bên cạnh đó, nhằm giảm thâm hụt thương mại về các mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Mỹ, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ ban hành các chính sách khuyến khích sử dụng gỗ nhập khẩu từ Mỹ không những cho các mặt hàng XK mà cho cả người tiêu dùng", Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết.

Hay trường hợp của Tập đoàn Minh Phú - DN nhiều năm XK tôm không bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, nhưng hồi đầu năm nay bất ngờ bị Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ áp dụng các biện pháp điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và áp dụng ký quỹ tạm thời ở mức 10% với những lô hàng xuất khẩu vào Mỹ do nghi ngờ DN sử dụng nguyên liệu từ Ấn Độ. Vụ việc đến nay chưa có kết quả cuối cùng nhưng đã cho thấy rõ ràng những mặt hàng Việt Nam có lợi thế chính là những mặt hàng dễ bị kiện nhất.

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận 39 vụ việc khởi xướng điều tra mới, tăng gần 2,5 lần so với năm 2019. Hàng hóa XK của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn do nhiều nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới thay vì áp dụng các hàng rào kỹ thuật như áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại... đòi hỏi cần có sự khẩn trương nghiên cứu, thay đổi trong cách tiếp cận để kịp thời điều chỉnh, ứng phó.

Sẵn sàng đối diện với các vụ kiện

Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại đánh giá, các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đã có lịch sử gần 100 năm, do đó nhiều nước phát triển đã xây dựng được nền tảng vững chắc như hệ thống pháp luật, nguồn nhân lực và các phần mềm phân tích,... Cộng đồng DN của các nước này cũng quen với việc sử dụng hay ứng phó với công cụ PVTM và họ coi đây là một chính sách song hành trong quá trình sản xuất kinh doanh.

 

Trong khi đó, Việt Nam mới mở cửa chưa lâu, do đó PVTM là một nội dung mới, đặc biệt với cộng đồng DN.Tính tới thời điểm này, các sản phẩm XK của Việt Nam đã và đang phải đối mặt với tổng cộng 201 vụ việc PVTM.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục nâng cao năng lực về PVTM, đặc biệt thông qua tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tham vấn và hướng dẫn các DN sản xuất trong nước, các Hiệp hội ngành nghề có liên quan để xem xét sử dụng kịp thời, hiệu quả các biện pháp PVTM, bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương cũng cho biết đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” để trình Chính phủ trong tháng 1/2021. Nghị định được kỳ vọng sẽ chặn dứt điểm tình trạng hàng ngoại mạo danh hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đánh giá, trên thực tế, ở nhiều thị trường, các công cụ PVTM còn bị lạm dụng để bảo hộ trá hình sản xuất trong nước. XK của Việt Nam ngày càng tăng trưởng, vì vậy cũng lọt vào tầm ngắm của không ít các biện pháp PVTM.

Do vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp và khó khăn như hiện nay, các DN Việt Nam phải chuẩn bị cho khả năng phải đối mặt với nhiều hơn các vụ kiện phòng vệ ở các thị trường XK, đặc biệt là các thị trường FTA với suy đoán là XK tăng trưởng nhờ thuế quan ưu đãi.

 

"DN cần phải chấn chỉnh lại hệ thống sổ sách kế toán và tài chính của mình, vì các số liệu này sẽ là bằng chứng cốt lõi để bảo vệ DN khi bị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Đồng thời, DN cũng cần dự trù nguồn lực nhất định (cả về con người và tiền bạc) để sẵn sàng theo đuổi các vụ kiện vốn rất tốn kém này", bà Trang khuyến nghị.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm