Chứng khoán

Các thông tin chứng khoán nhà đầu tư cần lưu ý trong tuần từ 8/3 - 12/3/2021

DNVN - VN Index gần như không thay đổi so với tuần trước dù trải qua nhiều nhịp rung lắc mạnh trong tuần, bất chấp những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid – 19 tại Việt Nam.

Những mã cổ phiếu đáng chú ý trong đầu tháng 3/2021 / Sàn HOSE liên tục nghẽn, mỗi ngày xử lý một kiểu khiến nhà đầu tư bất lợi

Theo đánh giá của công ty chứng khoán VCBS, VN Index gần như không thay đổi so với tuần trước dù trải qua nhiều nhịp rung lắc mạnh trong tuần, bất chấp những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid–19 tại Việt Nam. Cụ thể, sau khi hồi phục gần 18 điểm phiên thứ hai đầu tuần (1/3) thì chỉ số nhìn chung không biến động nhiều trong 2 phiên liền sau đó (2 – 3/3). Tuy nhiên, lực cung chốt lời gia tăng trở lại trong ngày thứ 5 (4/3) đã khiến chỉ số quay đầu giảm mạnh hơn 1.50% và đà giảm này được duy trì cho đến hết nửa đầu phiên sáng thứ sáu cuối tuần (503).

Mặc dù vậy, đáng chú ý là lực cầu bắt đáy quay trở lại kể từ nửa sau phiên sáng và kéo dài cho đến hết ngày giao dịch cuối tuần đã giúp chỉ số vẫn giữ vững mốc 1.160 điểm khi kết thúc tuần. Thanh khoản tuần này duy trì tương đương so với tuần trước cả về giá trị và khối lượng, và vẫn ở mức cao so với trung bình các tuần gần đây. Đóng cửa tuần giao dịch, VN Index đạt mức 1,168.69 điểm (+0.02%), trong khi HNX Index dừng lại tại 259.80 điểm (+4.25%).

Lực cầu lớn tại các cổ phiếu bluechips mà trọng tâm là nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản đã đẩy chỉ số tiến gần hơn đến vùng kháng cự quan trọng quanh mốc 1.200 điểm. VCBS duy trì quan điểm rằng chỉ số sẽ tiếp tục xu hướng dao động tích lũy đi ngang trong vùng 1.150 – 1.180 điểm, tuy nhiên áp lực chốt lời có thể sẽ gia tăng trong các phiên tới khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự quanh 1.200 điểm và các chỉ báo kĩ thuật chưa xuất hiện tín hiệu hỗ trợ cho việc vượt đỉnh.

Trong bối cảnh hiện tại, VCBS cho rằng nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trong giai đoạn này và có thể cân nhắc chốt lời ngắn hạn một phần danh mục, đồng thời cân nhắc gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nếu chỉ số chung lùi về kiểm tra lại vùng 1.150- 1.160 điểm, với trọng tâm là các doanh nghiệp được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan trong quý 1 năm 2021.

Biến động giá cổ phiếu trong nhóm ngành theo tuần

Biến động giá cổ phiếu trong nhóm ngành theo tuần. Nguồn: Báo cáo VCBS

Trong khi đó, những tin tức đáng chú ý trong thời gian này đó là Việt Nam tăng 15 bậc trong bảng xếp hạng tự do kinh tế. Quỹ Di sản (The Heritage Foundation), một Viện nghiên cứu của Mỹ đã công bố báo cáo Chỉ số Tự do Kinh tế 2021, trong đó Việt Nam đạt 61,7 điểm và xếp hạng thứ 90 trên thế giới, tăng 15 bậc so với năm 2020. Trên thế giới, đáng lưu tâm là tin tức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 4/3 nhắc lại cam kết duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo cho tới khi đạt mục tiêu về việc làm và lạm phát, đáp trả những hoài nghi liệu ông có thể thực hiện đúng lời hứa này khi đại dịch qua đi và nền kinh tế trỗi dậy.

Tuy nhiên, những lời trấn an của ông Powell chưa đủ sức để làm an lòng Phố Wall. Nhờ việc triển khai vaccine và chính sách kích cầu của Chính phủ Mỹ, "có lý do tốt để tin rằng chúng ta sẽ sớm đạt thêm bước tiến" tới mục tiêu của Fed về tạo công ăn việc làm tối đa trong nền kinh tế và mức lạm phát 2% bền vững – hãng tin Reuters dẫn lời ông Powell tại một diễn đàn do tờ Wall Street Journal tổ chức.

Các cổ phiếu được khuyến nghị quan tâm trong thời gian này theo công ty chứng khoán TCBS:

Công ty cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu MCM: Công ty công bố kế hoạch 2021 doanh thu thuần 3.066 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế 319 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước với hiệu quả kinh doanh cải thiện mạnh sau khi Vinamilk tiếp quản và triển vọng về khả năng mở rộng thị trường, đầu tư gia tăng công suất sau khi đã tăng vốn điều lệ lên 1.100 tỷ đồng từ tháng 2/2021. Tình hình tài chính lành mạnh. Tuy nhiên, giá cổ phiếu đang được định giá khá cao ở mức hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu dự phóng (P/E forward) là 28.x sau khi pha loãng do tăng vốn.

 

Công ty cổ phần Thế giới số DGW: DGW vừa công bố thông tin kinh doanh tháng 1/2021 với doanh thu 2.036 tỷ đồng, tăng 184% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu mảng điện thoại di động đạt 1.368 tỷ đồng nhờ đóng góp lớn từ các sản phẩm của Apple. DGW cũng đã công bố kế hoạch 2021 với doanh thu 15.200 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ năm trước). Với lợi thế là đơn vị phân phối hàng đầu về hệ thống, am hiểu thị trường, là nhà phân phối cho nhiều công ty lớn như Xiaomi, Apple, HP, trong các năm tới DGW kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, định giá hiện tại của DGW chưa hấp dẫn khi mức hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu P/E đang ở mức 14 lần trong khi các doanh nghiệp khác trong ngành thường ở mức 10-11 lần.

Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn SGP: Lũy kế 2020, doanh thu đạt 936 tỷ (- 17% so với cùng kỳ năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 230 tỷ (+13% so với cùng kỳ năm trước). Triển vọng dài hạn khả quan với vị thế đầu ngành trong lĩnh vực khai thác cảng ở khu vực miền Nam với 5 bến cảng đang vận hành cùng vị trí thuận lợi. Biên lợi nhuận ròng ở mức cao (~25%), tài chính lành mạnh, nợ vay thấp.

Trong ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trong giai đoạn này và có thể cân nhắc chốt lời ngắn hạn một phần danh mục

Trong trung và dài hạn, nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nếu chỉ số chung lùi về kiểm tra lại vùng 1.150- 1.160 điểm, với trọng tâm là các doanh nghiệp được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan trong quý 1 năm 2021

 

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm