Chuyên gia "điểm danh" 8 cổ phiếu tiềm năng do doanh nghiệp mở rộng công suất
Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ra sao trong tuần sau? / FRT báo lãi trước thuế gấp hàng chục lần cùng kỳ
Công ty cổ phần chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, từ đầu năm, nền kinh tế đã có những tín hiệu phục hồi rõ nét như GDP quý I tăng trưởng 5,66% so với cùng kỳ - mức cao nhất từ năm 2020, chỉ số PMI đã phục hồi lên trên 50 điểm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm tăng trưởng hai chữ số.
Với xu thế phục hồi của hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp đã và đang đầu tư mở rộng công suất được kỳ vọng sẽ hưởng lợi để đón đầu xu thế trên.
Agriseco Research đã sàng lọc ra 8 doanh nghiệp đã hoàn thành đầu tư xây dựng cơ bản hoặc đang chuẩn bị đưa vào vận hành các dự án, nhà máy trong năm 2024, kỳ vọng cho chu kỳ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.
DBC: Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã đầu tư tăng công suất với các dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn như dự án chăn nuôi Thanh Hóa với công suất 5.600 lợn nái, 77.400 lợn thương phẩm; dự án lợn giống Phú Thọ - giai đoạn 3 với công suất 4.800 lợn nái, hơn 70.000 lợn thương phẩm.
DBC cũng đang đầu tư nhà máy ép dầu giai đoạn 2 và dần hoàn thiện nhà máy sản xuất vaccine Dacovac với công suất 200 triệu liều/năm. Hiện Nhà máy vaccine đang phấn đấu hoàn tất kiểm nghiệm vào cuối tháng 5 tới đây và tiến hành đánh giá GMP, hướng tới việc thương mại hoá trong quý II hoặc quý III năm nay.
DHG: Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang đang đầu tư mở rộng thêm nhà máy đạt chuẩn Japan - GMP với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, giúp tăng công suất của doanh nghiệp thêm 25% so với trước đó. Nhà máy này dự kiến vận hành từ quý IV/2024.
Với việc xây dựng nhà máy đạt chuẩn Japan - GMP, DHG sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh khi đấu thầu ở nhóm thuốc 1 - 2 tại kênh ETC (đấu thầu bệnh viện). Hiện nay, doanh thu kênh ETC của DHG đang chiếm khoảng 11% và có xu hướng gia tăng.
DRC (Công ty Cổ phần cao su Đà Nẵng): Từ tháng 12/2023, giai đoạn 3 của Nhà máy lốp xe Radial đã chính thức được DRC đưa vào vận hành và có thể hoạt động tối đa công suất vào quý II năm nay, đưa công suất lốp Radial tăng lên 1.000.000 lốp/năm, tương ứng mức tăng 67% so với trước đó.
Theo doanh nghiệp, nhà máy mới có thể hoạt động vượt quá công suất thiết kế, đạt 1.200.000 lốp/năm.
Việc đưa nhà máy lốp xe Radial đưa vào vận hành giúp DRC đón đầu được sự phục hồi về nhu cầu trong năm 2024, đặc biệt tại 2 thị trường xuất khẩu chính là Brazil và Mỹ khi 2 thị trường này vẫn đang áp thuế chống bán phá giá (CBPG) với lốp xe Trung Quốc.
Ngoài ra, vào cuối năm 2023, đơn khởi kiện được đệ trình về hành vi bán phá giá của hãng lốp Thái Lan tại thị trường Mỹ. Nếu Mỹ áp thuế CBPG với lốp Thái Lan tương tự như đã làm với Trung Quốc vào năm 2019, DRC sẽ có nhiều cơ hội để tăng xuất khẩu sang thị trường này.
DHT (Công ty Cổ phần Dược Hà Tây): Dự án Nhà máy Dược phẩm Công nghệ cao Hataphar tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tổng mức đầu tư là 1.350 tỷ đồng. Nhà máy đạt chuẩn EU – GMP, sản xuất thuốc tân dược với công suất 2 tỷ sản phẩm/năm, dự kiến đi vào hoạt động một phần từ năm 2024.
Theo ban lãnh đạo, nhà máy khi vận hành toàn bộ có thể đem lại 1.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho DHT, tăng khoảng 50% so với trước đó.
Với nhà máy mới đạt chuẩn EU – GMP, DHT có thể tập trung vào nhóm thuốc tân dược và đẩy mạnh doanh thu từ kênh ETC còn nhiều tiềm năng.
HPG (Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát): Đại dự án Dung Quất giai đoạn 2 vẫn đang được triển khai đúng tiến độ. HPG dự kiến hoàn thành lò cao đầu tiên vào cuối năm 2024 với công suất khoảng 2,8 triệu tấn/năm.
Kết quả kinh doanh trong năm 2024 của HPG kỳ vọng tích cực nhờ nhu cầu phục hồi và 1 lò cao của dự án Dung Quất giai đoạn 2 có thể đi vào vận hành từ cuối năm 2024.
HHP (Công ty cổ phần Giấy Hoàng Hà Hải Phòng): Triển vọng tăng trưởng của HHP đến từ dự án nhà máy sản sản xuất giấy Hoàng Hà tại Hải Phòng với công suất 100.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 1.240 tỷ đồng, tức gấp hơn 3 lần công suất của 2 nhà máy cũ.
Nhà máy hiện đã hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm từ 22/12/2023. Dự án sau khi đưa vào vận hành có thể đông góp lớn vào KQKD của HHP với quy mô công suất tăng gấp hơn 3 lần trước đó.
MSH (Công ty Cổ phần May sông Hồng): Tháng 11 năm ngoái, MSH đã khởi công xây dựng nhà máy Xuân Trường II với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động từ giữa năm 2024. Với công nghệ hiện đại và khoảng 50 chuyền may sản xuất sản phẩm áo jacket, MSH có thể gia tăng công suất thêm khoảng 25% so với trước đó. Với nhà máy mới, quy mô lao động của MSH sẽ tăng lên từ gần 12.000 lao động lên thành 15.000 lao động.
Ngoài ra, Nhà máy sông Hồng 10 hiện mới đang hoạt động với hiệu suất khoảng 50% và có thể tiếp tục cải thiện trong năm 2024 khi các đơn hàng xuất khẩu phục hồi. Việc mở rộng nhà máy sẽ giúp MSH tăng cường lợi thế cạnh tranh với các đơn hàng FOB có giá trị gia tăng cao hơn.
PVT (Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí): Năm 2023, PVT đã đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng nhằm gia tăng và trẻ hóa đội tàu, cao gấp 2,5 lần so với tổng mức đầu tư của năm 2022.
Cụ thể, trong năm 2023, PVT đã đưa vào hoạt động 12 tàu mới, trong đó mua mới 7 tàu và thuê 5 tàu. Qua đó, PVT đã tăng công suất ròng thêm 377K DWT lên 1,6 triệu DWT (+32% yoy).
Trong năm 2024, PVT dự kiến đầu tư thêm 21 tàu mới với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD (khoảng 12.300 tỷ đồng), bao gồm 13 tàu chở dầu, hoá chất, 4 tàu chở dầu khí hoá lỏng (LPG) và 4 tàu chở hàng rời.
Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024 của PVT đến từ 12 tàu mới được đưa vào hoạt động trong năm 2023, trong đó chủ yếu tập trung vào giai đoạn nửa cuối năm. Agriseco Research đánh giá, lợi nhuận của PVT có thể tăng tương ứng từ 30-40% trong năm 2024...
End of content
Không có tin nào tiếp theo