Sai lầm của DXG khi phát hành cổ phiếu ESOP 0 đồng
VN-Index có thể cán mốc 1.500 điểm năm 2021 / Novaland phát hành cổ phiếu thưởng và chia cổ tức lên tới 60%
Trong những ngày vừa qua, cổ phiếu DXG của Tập đoàn Đất Xanh liên tục đổ đèo với hàng triệu cổ phiếu bị treo bán ở mức giá sàn. Chỉ trong ba ngày từ 7/6/2021, giá cố phiếu của DXG đã lao dốc từ mốc cao là 29.450 đồng/cổ phiếu về mức 24.100 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 18% và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngoài việc điều chỉnh của thị trường chứng khoán, thì việc DXG dự kiến phát hành 207 triệu cổ phiếu chính là nguyên nhân gây tụt giảm.
DXG liên tục xuống dốc trong 3 phiên vừa qua.
Chiều ngày 7/6/2021, thông tin về tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên được công bố. Theo tài liệu đại hội cổ đông, DXG dự kiến phát hành 207 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Trong đó 7 triệu cổ phiếu được phát hành cho cán bộ công nhân viên theo dạng ESOP với giá 0 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, DXG còn dự kiến phát hành 200 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư mới. Giá dự kiến phát hành là giá đã chiết khấu 20% so với bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu DXG trong 20 ngày giao dịch gần nhất, ước tính khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu.
Ngay sau khi thông tin này được công bố vào chiều ngày 7/6 sau giờ giao dịch, thì chỉ chờ đến sáng, thì cổ đông nước ngoài ngay lập tức bán mạnh với hơn 7 triệu cổ phiếu ở mức giá sàn, tiếp theo đó lệnh bán chất đống tại giá sàn. Hòa theo nhịp giảm của thị trường, cổ phiếu DXG kết phiên với tổng số dư bán sàn là hơn 12 triệu cổ phiếu. Trong các diễn đàn chứng khoán, các room chat chứng khoán, nhiều nhà đầu tư tỏ ra bất bình với việc phát hành 7 triệu cổ phiếu ESOP giá 0 đồng. Nhiều nhà đầu tư cho rằng nếu phát hành với mệnh giá thì còn thông cảm được mặc dù họ cũng không thích cổ phiếu ESOP lắm. Nhưng việc phát hành kiểu cho không là không thể chấp nhận. Điều dễ nhận thấy là cán bộ DXG đã đăng ký bán ra mạnh bởi họ sẽ kiếm được khoản tiền lớn khi giá cổ phiếu đang cao.
Tuy nhiên, đối với cổ đông tổ chức, đặc biệt là cổ đông nước ngoài, việc phát hành ESOP giá 0 đồng là không hề có tiền lệ, chưa từng xảy ra trong lịch sử, là điều không thể chấp nhận. Trên khắp các diễn đàn chứng khoán, cộng đồng nhà đầu tư, rất nhiều ý kiến nhà đầu tư bày tỏ sự bất bình với phương án phát hành của DXG là không hài hòa lợi ích cổ đông – cán bộ công nhân viên – nhà đầu tư khác (là nhà đầu tư tham gia phát hành riêng lẻ).
Nhiều nhà đầu tư bức xúc, bởi lẽ, phát hành đến 7 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,33% lượng cổ phiếu đang lưu hành hiện nay, với giá 0 đồng. Chỉ cần mang lượng hàng này bán trên sàn, với giá chỉ 20.000 đồng/cổ phiếu cũng đã thu về 140 tỷ đồng, trong khi nhà đầu tư phải mua với giá trên sàn gần 29.000 đồng/cổ phiếu (phiên thứ 2, ngày 7/6).
Ở nhiều thị trường phát triển, ESOP chính là một khoản chi phí dùng để thưởng cho cán bộ công nhân viên đã nỗ lực cống hiến cho công ty, và sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong khi đó, tại Việt Nam, ESOP chưa được hạch toán như một khoản chi phí, theo đó không ảnh hưởng tới lợi nhuận, chỉ làm thay đổi giảm EPS vì lượng cổ phiếu tăng lên. Nhưng xét sâu xa về bản chất, ESOP là một hình thức lấy tiền túi của cổ đông chia lại cho cán bộ công nhân viên, nhiều trường hợp, cụ thể là chia cho các lãnh đạo, ban điều hành công ty. Chính vì vậy, nếu ESOP không được xây dựng thực sự hướng đến mục tiêu tạo động lực cho cán bộ công nhân viên, qua đó khuyến khích họ tiếp tục thúc đẩy, tạo động lực để họ tạo ra giá trị lớn hơn cho cổ đông, thì không đạt được mục tiêu của ESOP.
Đây là lý do mà tại nhiều ĐHCD trong quá khứ đã không thông qua tờ trình về ESOP nếu hội đồng quản trị không có thông tin minh bạch hơn về danh sách những cán bộ công nhân viên được nhận với mức giá và giới hạn chuyển nhượng hợp lý và kế hoạch tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận không đủ thuyết phục đưa ra tiêu chuẩn phát hành gói ESOP.
Hơn nữa việc phát hành 200 triệu cổ phiếu với mức giá chiết khấu đến 20% là cũng khó có thể chấp nhận với các lý do tiền mặt DXG không thiếu thậm chí là rất nhiều sau khi bán đi phần vốn tại DXS cũng như tiền thu về từ việc bán các dự án như Gem Skyworld Long Thành, phát hành lên đến 200 triệu cổ phiếu, tức hơn 38% vốn điều lệ làm tỷ lệ pha loãng diễn ra quá mức. Hơn nữa, phát hành với mức chiết khấu 20% làm thiệt hại quá nhiều cho nhà đầu tư vì nhiều nhà đầu tư đã mua với giá cao. Công ty có thể phát hành cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành tại giá cao hơn giá cổ phiếu chứ không ai phát hành thấp hơn để thiệt hại.
Rõ ràng nếu mang lên bàn cân đong đếm, có sự bất cân xứng lợi ích rất lớn giữa các bên gồm nhà đầu tư tham gia phát hành riêng lẻ - cán bộ công nhân viên – và cổ đông hiện hữu, bởi lẽ cổ đông của DXG trong nhiều năm nay cũng chẳng nhận được một đồng cổ tức nào từ công ty.
Trong một diễn biến khác thì hai ngày 3/6 và 4/6/2021, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đất Xanh đã bán 690.000 cổ phiếu DXG. Đáng chú ý, động thái bán toàn bộ cổ phiếu của ông Sơn diễn ra đúng ở vùng đỉnh cao kỷ lục mà cổ phiếu DXG đạt được kể từ khi lên sàn. Sau đó là những phiên lao dốc thẳng đứng của cổ phiếu DXG.
Đại hội cổ đông của DXG sẽ được diễn ra vào ngày 26/6 tới đây tại TP.Hồ Chí Minh, chắc chắn những vấn đề này sẽ trở nên nóng trong hội trường. Vì dù Ban lãnh đạo có những chiến lược riêng trong sự phát triển công ty, thực tiễn diễn ra cho thấy cổ phiếu DXG lao dốc mạnh làm vốn hóa bốc hơi, tài sản của nhà đầu tư bị giảm sút mạnh là điều trước mắt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo