Chứng khoán

Tất cả doanh nghiệp nhóm VN30 đều báo lãi quý 1/2021

DNVN - Lợi nhuận sau thuế nhóm VN30 tăng trưởng 110% so với quý 1/2020. Có rất nhiều doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận nhiều lần, nhưng cũng có đơn vị báo lãi giảm, không có bất kỳ doanh nghiệp nào báo lỗ. Đây là những con số đáng ghi nhận của nhóm VN30.

Vingroup chưa bán hết 25 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam / Chứng khoán MB chào bán hơn 103 triệu cổ phiếu, giá 10.000 đồng/cổ phiếu

Theo thống kê trong quý 1/2021, lợi nhuận sau thuế nhóm VN30 tăng trưởng 110% so với quý 1/2020. Có rất nhiều doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận nhiều lần, nhưng cũng có đơn vị báo lãi giảm, không có bất kỳ doanh nghiệp nào báo lỗ. Đây là những con số đáng ghi nhận của nhóm VN30.

Tất cả các doanh nghiệp trong rổ VN30 đều có lãi, không doanh nghiệp nào báo lỗ trong quý 1/2021

Tất cả các doanh nghiệp trong rổ VN30 đều có lãi, không doanh nghiệp nào báo lỗ trong quý 1/2021.

Các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng mạnh như Công ty chứng khoán SSI, Tập đoàn Bảo Việt BVH, Tập đoàn Hòa Phát HPG, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh HDB, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội MBB, Tập đoàn MaSan MSN, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam TCB, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam CTG. Một số doanh nghiệp có lãi giảm nhẹ như Tổng Công ty Khí Việt Nam - Công ty Cổ phần GAS, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam VNM, Công ty Cổ phần Vinhomes VHM báo lãi giảm nhẹ.

Điểm sáng trong nhóm VN30 chính là HPG của Tập đoàn Hoà Phát. Quý 1/2021, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của HPG đạt 31.459 tỷ đồng, tăng 61,7% so với quý 1/2020. Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu bán hàng của HPG tăng 64%, đạt 31.122 tỷ đồng còn lại các mảng khác như bất động sản cho thuê, bất động sản bản đều giảm. Lợi nhuận gộp đạt 8.183 tỷ đồng, tăng 2 lần. Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh, trong khi chi phí tài chính giảm, sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh cùng thuế, lợi nhuận sau thuế của HPG đạt 7.005 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với quý 1/2020.

Trong khối ngân hàng, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (CTG) đáng chú ý nhất với mức tăng trưởng lợi nhuận gấp 2,69 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự quý 1/2021 của CTG đạt 21.095 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước nhưng chi phí lãi và các chi phí tương tự giảm mạnh giúp cho CTG ghi nhận thu nhập lãi thuần 10.642 tỷ đồng, tăng 26%. Trong khi lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm và mua bán chứng khoán đầu tư lỗ song lãi thuần từ hoạt động dịch vụ vẫn tăng, đạt 1.283 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí hoạt động, các khoản thuế, CTG lãi sau thuế 6.471 tỷ đồng, trong khi quý 1/2020 lãi 2.404 tỷ đồng.

Bên cạnh CTG, nhiều ngân hàng khác trong rổ VN30 cũng có lợi nhuận tăng cao như MBB tăng 2 lần, HDB tăng 2,68 lần, BID tăng 88%; VCB tăng 67%; TCB tăng 79%; TPB tăng 47%.

 

Ở nhóm tài chính, lợi nhuận sau thuế của Chứng khoán SSI bật tăng 47 lần, đạt 424 tỷ đồng trong khi quý 1/2020 chỉ đạt 9 tỷ đồng nhờ mảng tự doanh và môi giới chứng khoán. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (EVTPL) đạt 600 tỷ đồng, tăng 206% so với quý 1/2020. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu 245,6 tỷ đồng tăng 69%; doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán 437 tỷ đồng tăng 256%. Dù vậy thì SSI cũng ghi nhận lỗ từ tự doanh lên đến 288 tỷ đồng do cắt lỗ một loạt cổ phiếu như VNM, ELC, TDM, DSG…

Một số doanh nghiệp đảo chiều lợi nhuận từ lỗ quý 1/2020 sang có lãi như MSN, PLX, VJC. Trong đó đáng lưu ý là trường hợp của VJC, quý 1/2020, VJC ghi nhận lỗ 989 tỷ đồng. Bước sang quý 1/2021, tình hình dịch bệnh vẫn tác động tiêu cực lên ngành hàng không nhưng VJC lại may mắn hơn các doanh nghiệp cùng ngành như HVN, ACV… nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gần gấp 3 so với cùng kỳ, đạt 1.294 tỷ đồng, trong đó có khoản thu nhập tài chính khác lên đến 1.357 tỷ đồng tăng mà không được thuyết minh chi tiết.Trong khi đó, VJC vẫn ghi nhận lỗ gộp hơn 1.000 tỷ đồng từ bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh nhóm doanh nghiệp tăng trưởng mạnh thì một số doanh nghiệp lớn lại có đà tăng giảm, với 3 ông lớn ở ba lĩnh vực VHM (bất động sản), GAS (khí đốt) và VNM (ngành sữa).

Tại Công ty CP Vinhomes, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 1/2021 đạt 12.986 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý 1/2020. Giá vốn hàng bán tăng mạnh, trong khi doanh thu hoạt động tài chính giảm còn 1/4 so với năm ngoái, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng cao dẫn đến lợi nhuận thuần còn 7.054 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản thuế phí, VHM lợi nhuận sau thuế còn 5.477 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các dự án đóng góp chính vào doanh số bán bất động sản bao gồm Ocean Park 6.100 tỷ đồng (trong đó doanh thu bán buôn là 2.900 tỷ đồng), Grand Park 1.500 tỷ đồng, Smart City 1.300 tỷ đồng. Mặc dù lợi nhuận ròng sụt giảm nhưng doanh số bán hàng mới trong quý 1/2021 vẫn sôi động với giá trị bán hàng là 6.000 tỷ đồng, cao hơn 2 lần, tương đương với 1,592 căn hộ bán được.

 

Trong khi đó, tại VNM, do ảnh hưởng của Covid-19 cùng với sức tiêu thụ sữa sụt giảm, quý đầu năm VNM ghi nhận doanh thu thuần 13,190 tỷ đồng, giảm 7% so cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế còn 2.597 tỷ đồng, giảm gần 7% so với quý 1/2020. Năm 2021, VNM đặt kế hoạch doanh thu trên 62.000 tỷ đồng, tăng 4,1% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đi ngang, xấp xỉ 11.200 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của VNM còn ảnh hưởng do giá đầu vào nguyên liệu tăng cao suốt gần một năm nay. Trên thị trường, giá cổ phiếu VNM cũng đã bốc hơi, giảm gần 13% trong vòng một tháng qua, chốt phiên giao dịch 8/5, thị giá VNM là 87.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, doanh thu của Tổng công ty khí Việt Nam (GAS) quý 1/2021 giảm nhẹ đạt 17.570 tỷ đồng chủ yếu do giảm doanh thu xây lắp và các hoạt động khác. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng cao đã khiến cho lợi nhuận gộp giảm còn 3.269 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng cao; lợi nhuận sau thuế của GAS đạt 2.057 tỷ đồng, giảm 12,4% so với năm cùng kỳ năm 2020.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm