Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 23/6: Thanh khoản thấp nhất trong vòng 1 tháng qua

DNVN - Trong phiên sáng, với sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng và chứng khoán, VN-Index đã từ tốn leo lên chinh phục ngưỡng 1.390 điểm. Tuy nhiên, ở vùng điểm nay, lực bán gia tăng mạnh đã đẩy VN-Index rơi thẳng đứng, mất gần 15 điểm xuống dưới ngưỡng 1.375 điểm.

Chỉ có 389/724 doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn trên sàn chứng khoán / Thị trường chứng khoán 17/6: Cổ phiếu họ FLC bùng nổ

Trong phiên sáng 23/6, không những vậy, lực bán dồn vào một thời điểm lớn khiến sàn HOSE lại diễn ra hiện tượng tắc nghẽn trong khoảng 20 phút.

Bước vào phiên giao dịch chiều, lực bán một lần nữa gia tăng ngay khi thị trường giao dịch trở lại khiến VN-Index lùi về vùng 1.370 điểm, xác lập mức đáy của ngày. Tuy nhiên, với sự vững vàng của nhóm chứng khoán, đặc biệt là sự trở lại mạnh mẽ của VPB, cùng với người “anh cả” trong nhóm ngân hàng VCB, VN-Index đã hồi trở lại nhanh chóng và đóng cửa chỉ còn giảm nhẹ.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index đóng cửa với cây nến spinning đỏ cho thấy, biên độ giao dịch trong phiên khá hẹp và lực bán tạm chiếm ưu thế như hai phiên trước đó. Chỉ số vẫn tiếp tục đóng cửa trên vùng đỉnh cũ tại giá trị 1.375 điểm và đóng cửa trên mốc EMA(5), cho thấy xu hướng tăng giá vẫn đang tiếp diễn.

Biên độ dao động trong phiên hôm nay hẹp nhờ lực đỡ thị trường từ nhóm ngân hàng và chứng khoán, trong khi các nhóm ngành tăng tốt trước đó như dầu khí và BĐS – KCN gặp áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn trở lại. Thanh khoản của thị trường tiếp tục xu hướng suy giảm. Việc dòng tiền suy yếu cũng phần nào đem lại tâm lý rất hoang mang cho nhà đầu tư.

Thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm trong phiên hôm nay, xuống mức thấp nhất hơn 1 tháng.

Chốt phiên, VN-Index giảm 3,1 điểm (tương đương 0,22%), xuống 1.376,87 điểm với 94 mã tăng, trong khi có tới 298 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 710,8 triệu đơn vị, giá trị 21.124 tỷ đồng, giảm 4,8% về khối lượng và 5,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 66 triệu đơn vị, giá trị 2.050 tỷ đồng. Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, dù sắc đỏ nhiều hơn phiên sáng, nhưng các mã lớn lại nới đà tăng, góp sức giúp VN-Index chỉ điều chỉnh nhẹ. Trong đó, VPB vẫn là mã tăng mạnh nhất và nới đà tăng hơn so với phiên sáng khi chốt phiên chiều tăng 4,5% lên 69.000 đồng, khớp gần 30,7 triệu đơn vị. VCB cũng nới đà tăng lên 2%, đóng cửa ở mức 109.700 đồng, thanh khoản đạt gần 2,3 triệu đơn vị. CTG cũng tăng 1,5% lên 52.700 đồng, khớp 16,9 triệu đơn vị và BID tăng 0,9% lên 45.400 đồng, khớp 2,6 triệu đơn vị. TPB, ACB, TCB chỉ còn giữ được mức tăng khiêm tốn từ 0,4% đến 0,8%, trong đó ACB và TCB khớp trên 10 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, số mã giảm trong nhóm này có sự góp mặt thêm của 2 mã HDB và VIB, nâng số mã giảm lên 8 mã, cùng với MSB đứng giá tham chiếu. Trong đó, LPB vẫn là mã giảm mạnh nhất khi mất 2% xuống 28.800 đồng, mức thấp nhất ngày, khớp hơn 4,3 triệu đơn vị. Tiếp đến là STB giảm 1,5% xuống 29.750 đồng, cũng là mức thấp nhất ngày, khớp 24,1 triệu đơn vị. SSB và EIB giảm gần 1%, các mã còn lại chỉ giảm nhẹ, trong đó MBB cũng có thanh khoản tốt, khớp gần 23,7 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán giữ phong độ khá tốt với HCM tăng 3,6% lên 46.100 đồng, tiếp đến là VDS tăng 2,6% lên 25.200 đồng, CTS tăng 1,4% lên 22.300 đồng, AGR tăng 1,1% lên 13.450 đồng, SSI tăng 0,8% lên 49.900 đồng. Ở chiều ngược lại, VCI giảm 1% xuống 52.000 đồng, VIX giảm 1,9% xuống 29.1500 đồng.

FLC có phiên giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm 5,8% xuống 13.700 đồng, mạnh hơn phiên sáng, khớp 47 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HOSE về thanh khoản. HQC cũng giảm 4,3% xuống 3.970 đồng, khớp 21,4 triệu đơn vị. AAA giảm 2,6% xuống 19.000 đồng, khớp 18,7 triệu đơn vị. HNG giảm 3,1% xuống 11.100 đồng, khớp 14 triệu đơn vị. DLG thậm chí điều chỉnh mạnh 6,1% xuống 3.550 đồng sau chuỗi tăng mạnh trước đó, thậm chí có lúc đã về mức sàn 3.520 đồng, khớp 13,5 triệu đơn vị. ROS, ITA, KBC, HAI giảm từ hơn 1% đến gần 2%. Các mã như LCG, TTF, HHS, LDG... cũng giảm từ hơn 2% đến hơn 3%.

Trên sàn HNX, giao dịch khá sôi động, HNX-Index giảm 1,29 điểm (-0,41%), xuống 315,8 điểm với 73 mã tăng trong khi 133 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 126,2 triệu đơn vị, giá trị 2.875 tỷ đồng, giảm 22,9% về khối lượng và 21,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,2 triệu đơn vị, giá trị 156 tỷ đồng.

SHB nới rộng đà giảm trong phiên chiều, đóng cửa giảm 1,1% xuống 26.900 đồng, khớp 15,8 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HNX. PVS giữ mức giá như phiên sáng khi đóng cửa giảm 1,97% xuống 29.900 đồng, khớp 14,5 triệu đơn vị, đứng sau SHB. May mắn là 2 mã ngân hàng BAB và NVB trở lại tham chiếu, hỗ trợ phần nào giúp HNX-Index không giảm sâu. Cùng với đó, mã vốn hóa lớn nhất sàn THD vẫn giữ được mức tăng nhẹ. Trong khi đó, các mã chứng khoán trên sàn là VND, SHS, MBS, VIG, BSI, BVS… đều giữ được sắc xanh.

Thị trường UPCoM cũng có diễn biến tương tự như 2 sàn niêm yết khi xác lập mức đáy của ngày vào đầu phiên chiều, sau đó hồi trở lại lên sát mức tham chiếu. Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,21%), xuống 89,91 điểm với 134 mã tăng và 172 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 107,4 triệu đơn vị, giá trị 2.051 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,7 triệu đơn vị, giá trị 370,5 tỷ đồng.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc tham gia giải ngân trở lại tại vùng giá hỗ trợ của VN-Index tại 1.350 - 1.355 điểm với sự chú ý vào nhóm thép, chứng khoán, ngân hàng và bất động sản cho mục tiêu kỳ vọng của VN-Index tại ngưỡng 1.420 điểm. Bên cạnh đó, nhóm thủy sản, dệt may và phân đạm cũng sẽ là một sự lựa chọn khả quan với kỳ vọng kết quả kinh doanh cải thiện trong quý II.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm